Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Con ốc và đại dương

Giải Ba thể loại truyện ngắn cuộc thi viết văn Con người Mới 2011 của CLB cộng với lời đánh giá "triển vọng" của Trưởng ban Giám khảo Nhật Chiêu. :D

CON ỐC VÀ ĐẠI DƯƠNG
Mã số B2
            Đã vài ngày trôi qua từ khi nàng đứng trên ban công ngắm những con sóng nhỏ đang ì ạch vỗ vào căn nhà của nàng và chồng.
-“Em yêu, em đã đứng mấy ngày nay trên ban công rồi đó. Anh không nghĩ những con sóng chết tiệt phía dưới có ý nghĩa hơn ông chồng đẹp trai giỏi giang của em đâu”.
-“Em có nói thế đâu nào”.
            Nàng choàng tay qua cổ chồng. Và thấy anh cười, nụ cười cũng giông giống vài tháng trước đây. Phút giây đó, nàng cảm thấy mình hạnh phúc thật sự.
     - “Alô, em đây. Chị sắp tới...? Em sẽ dẫn chị đi khắp khu phố ... Và chị cũng phải tới nhà em nữa, chị không thể tin được ngôi nhà giữa biển hay ho thế nào đâu...”
            Chàng đổi chế độ chuông sang rung lúc nào mà nàng không biết? Tiếng chàng xa dần xa dần và khuất sau cánh cửa phòng. Đến bữa trưa chàng mới quay trở lại ban công để ăn trưa cùng nàng.
-“Em yêu, chúng ta lại ăn trưa ở ban công nữa?”
-“Có gì đâu anh, ở đây có mái che và hoàn toàn mát mẻ”.
-“Nếu em không nói, anh sẽ không bao giờ biết được em chờ thứ quái quỉ gì ở ngoài này”.
            Chàng nhăn mặt. Trong suốt bữa ăn nàng cố nói một vài thứ nhưng chàng không trả lời. Phần sau của bữa ăn nàng chỉ mãi nghĩ đến chiếc điện thoại nên đã quên mất phần trái cây cắt sẵn trong tủ lạnh.
            Buổi tối, khi chàng trở về từ quán bar có các cô vũ nữ thoát y thì trên ban công đã đầy sao.Nghe thấy tiếng bước chân chàng trên sàn gỗ, trong lúc hốt hoảng, thay vì bay lên lại trên nền trời, đám sao nhảy tùm xuống biển. Một luồng trắng lấp lánh chảy từ ban công xuyên qua những con sóng ngái ngủ và lặn vào cái sâu thẳm của đại dương.
            Trên mặt biển im lìm những hạt bụi dập dềnh theo những con sóng nhỏ rồi cũng hòa lẫn vào bọt bể mênh mông.
-“Em yêu, vào trong thôi, em không thấy ở đây lạnh lẽo sao”.
-“Em muốn đứng đây một lát nữa”.
            Chàng vòng tay ôm nàng từ phía sau, khi bàn tay trái lướt qua ngực nàng, cái lạnh của chiếc nhẫn cưới bằng kim loại thấm sâu vào trong ngực.
***
            Chị họ của chàng đến thăm nhà vào sau ngày trăng tròn của tháng. Những ngày đó họ luôn ăn trưa với nhau ngoài ban công và chàng không còn hỏi nàng về sự thay đổi đó nữa. Có vẻ chàng đã tìm được cách để thích nghi. Chị họ của chàng ở trong nhà nàng được một tuần cho đến khi nàng hỏi: “Khi nào cô trở về quán bar? Tôi không nghĩ tôi có thể làm bạn với cô”. Và đến tối thì người phụ nữ biến mất. Nàng đứng trên ban công và ném tất cả những cái dĩa bẩn xuống biển. Con sóng giận dữ nuốt chửng những thứ dơ dáy và cả nước mắt của nàng.
            Mặt trăng vẫn tròn từ sau ngày “bà chị họ” đến nhà và mỗi tối nó trồi lên trên mặt biển như một chiếc dĩa bẩn khổng lồ. Nàng đã làm rơi những giọt nước mắt khi thấy chồng nàng lén ăn dần những bức ảnh chụp chung với “cô chị”. Chúng quá nhiều, đến nỗi cả tuần sau khi cô gái trở về quán bar, chàng mới nhấm hết. Bức ảnh cuối cùng chàng bỏ vào máy xay sinh tố, xay vụn nó ra và cho vào ly cà phê sữa. Chàng đem chiếc cốc ra bàn ăn. Nàng đang đứng chống tay lên lan can và nghe thấy tiếng chàng loạt soạt ngồi xuống chiếc ghế mây cũ. Những cử động quen thuộc luôn làm nàng thấy lòng dịu dàng và mềm mại hẳn ra. Khi quay lại nhìn, nàng thấy chàng đang giả vờ ngủ.
            Những con ốc bám đầy dưới chân tường nhà nàng. Cái vỏ lấp lánh che chở cho cơ thể ốc sống động bên trong. Những con sóng mang chúng đến và cuốn chúng đi. Thật khó để khẳng định đó có phải là con ốc của ngày hôm qua hay không.
***
            Biển trở lạnh hàng đêm ngay sau khi mặt trời tắt. Những bài hát xa xôi của những con sóng luôn ở bên cạnh nàng. Một ngày chàng ra ban công tìm vợ của mình.
-“Anh của em, anh nồng nặc mùi rượu. Anh lại trở về từ chỗ những cô vũ nữ thoát y phải không”?
-“Không em, chỉ một nhóm bạn học hồi phổ thông thôi mà”.
Ngập ngừng, chàng tiếp:
-“Anh... Anh có đi đâu đâu”.
            Họ cùng im lặng một lúc. Và sóng thì vẫn ì oàm nơi chân tường. Mặt biển đen che giấu những suy nghĩ mông lung và hiểm trở. Không ai có thể nhìn thấu suốt những lòng sông.
            Những con gió biển bám lấy tóc nàng. Hơi nước và vị mặn thấm trong từng nếp áo của hai vợ chồng. Mọi thứ trong căn nhà đều chỉ có một mùi-mùi của biển. Tất cả bình đẳng trước biển, bình đẳng vĩnh viễn.
            Có vẻ chàng muốn nói gì đó nhưng không rõ cách bắt đầu. Trong lúc lúng túng, họ vẫn tiếp tục nhìn trộm nhau. Chàng đứng sát bên, hơi thở thấm vào da thịt nàng. Nàng khẽ nhắm mắt hít sâu vào trong lồng ngực cái mùi quen thuộc và thân yêu ấy. Nàng đứng áp mặt vào lưng chồng, nghe thấy tiếng đập của một sư sống bé nhỏ trong lồng ngực, nghe thấy hơi ấm xuyên qua lớp vải nỉ thấm vào má nàng.
-  Anh...xin lỗi.
            Nàng cho hai tay vào túi áo khoác của chồng và ôm chàng từ phía sau. Hơi ấm thấm dọc cánh tay nàng và len lỏi vào trong từng tế bào đẫm gió biển. Và ở đáy túi áo khoác,nàng sờ thấy một khối kim loai nhỏ, tròn, và lạnh. Nàng nắm nó trong lòng bàn tay, và dưới ánh sáng của chiếc dĩa bẩn tròn trịa khổng lồ, nàng nhận ra những nét quen thuộc của chiếc nhẫn cưới.      Cái nhìn vụng về của chồng làm nàng cảm thấy buồn bã hơn bao giờ hết. Vào đúng lúc chàng định phân trần gì đó thì cơn sóng thần bỗng nhiên ập tới và trùm lên căn nhà trơ trọi giữa biển. Đèn đóm tắt hết và mọi thứ chìm trong tiếng của những con sóng. Trong lúc hoảng sợ, chiếc nhẫn đã tuột khỏi tay nàng, lẫn vào trong màu xám mênh mông. Khi biển lặng, chồng và nàng đang lóp ngóp trên ban công. Trông họ như con ốc xoáy thân dài trên những tảng đá san hô lỗ rỗ nước. Cả hai gập người ho. Nàng vẫn ôm lấy lưng chồng.  
            Họ đứng mỗi người một góc, cùng chậm rãi thay đồ trong căn phòng tối. Khi ánh sáng nhờ nhờ của chiếc điã đi qua cửa sổ, nàng quay lại nhìn chồng. Những đường nét trên cơ thể chàng làm nảy nở những cảm giác thân quen và ấm áp trong nàng. Nàng mặc một chiếc áo cổ đổ rộng rinh và bò lên nằm trên chiếc nệm nhún. Chàng ngồi trên chiếc ghế bên cạnh giường, gác hai chân lên nệm và giả vờ ngủ. Tiếng thở của chàng làm ấm căn phòng. Mấy màu xanh đen từ từ trườn qua cửa sổ và chảy xuống biển sâu. Nàng nhích về phía mép giường và nằm im ngay sát chân chàng.  
             Ngoài kia biển và đêm vẫn mênh mông. Trong cơn buồn ngủ đang kéo sụp mi mắt, nàng nhớ đến người chủ cũ của căn nhà. Nghe nói bà ta đã đứng nhiều ngày bên lan can, cho tới khi hóa đá và rơi xuống biển. Không ai biết bà ta chờ đợi điều gì. Có thể là một ông chồng. Có thể là một con sóng thần. Trí nghĩ mỏi mệt của nàng chìm trong màu đen dịu dàng, rồi nàng nghe thấy tiếng đập của sự sống bé nhỏ ngay dưới bàn tay. Nàng ngủ, với đôi bàn tay nằm yên ở túi áo khoác trong của chồng. Bỗng nhiên chồng nàng ngáp một cái thật dài. Căn phòng lại nhanh chóng rơi vào thinh lặng, có thể nghe thấy tiếng của những con sóng ngay dưới chân nhà họ.
            Khi đi qua cửa sổ, thấy hai hình hài cong như những con tôm trên chiếc nệm nhún, mặt trăng nhận ra hình như nó đã tròn quá mười ngày trong tháng này. Ngày mai, kì trăng khuyết sẽ lại bắt đầu.

Tác giả: Chế Trần Diệu Ánh – K07, Văn học & Ngôn ngữ
 Rất cá tính! He he he.

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Những lời thì thầm

Truyện ngắn đạt giải Nhì cuộc thi viết văn Con người Mới 2011 của CLB Văn học & Nghệ thuật.

NHỮNG LỜI THÌ THẦM
Mã số B3
Trưa, con đường đất dưới cái nắng gay gắt trở nên đỏ quoạch và những hạt bụi cứ thoa vào không gian những giọt phấn buồn. Ngay cả những ngọn cỏ lau mọc dày hai bên đường cũng nhuộm trên thân mình một màu hồng phấn như con gái trong ngày xuất giá cố làm duyên. Nắng thiêu đốt. Con đường vắng ngắt và tĩnh lặng như bao con đường ở một vùng quê.
Ở đó có một cây cột điện bằng xi-măng trên thân gánh chằng chịt những sợi dây điện trong cứ như chỉ cân một cơn gió thoảng qua nó sẽ đổ, có lẽ nó là minh chứng duy nhất cho thấy dấu vết của một nền văn minh hiện đại của vùng đất cằn cỗi này nên bao năm qua bất chấp tất cả những thử thách mà ưỡn tấm thân gầy trơ xương gánh vác trách nhiệm. Nó đang ngắm những áng mây xanh, trắng bay lượn trên nền trời trong một tâm trạng chán chường vì sự cô độc của mình. Bất chợt một cơn gió thổi ngang qua mang theo một bông hoa bồ công anh mỏng manh, vướng những ngọn cỏ lau làm nó hơi lảo đảo cố chấp chới bay lên thoát khỏi những đám cỏ để tiếp tục cuộc hành trình của mình. Cột điện như tìm được đồng minh nó không để vuột mất cơ hội tìm người trò chuyện trong lúc chán chường này. Nó gần như quát lên và tiếng nó được khuyếch trong nắng như vọng lại liên hồi:
- Bạn ơi! Ở lại một lát đi! Mình mong có người nói chuyện với mình quá!
- Tôi đang vội!
Bông bồ công anh vội vã bay nhưng nó cứ như bị thít chặt, càng cố thoát càng bị trói buộc như một lời nguyền không thể nào hóa giải của định mệnh. Nó bất lực ngước nhìn cây cột điện .Nó thở dài trong sự thất bại của nổ lực vùng thoát yếu ớt cuối cùng. Cột điện chỉ chờ có thế nó mỉm cười, như bắt gặp một cố nhân lâu ngày gặp lại.
Phía xa, dưới con dốc nghe rõ tiếng dây sên khua vào không gian đinh tai. Hình bóng một cậu bé đội một chiếc mũ lưỡi trai, nước da ngăm đen mặc một bộ quần áo siêu nhân bạc màu dần hiện rõ. Hình như cậu bé đang nói gì đó với cô bé phía sau - một cô bé nhỏ tí liên tục thúc vào lưng cậu - miệng liên thanh:
- …
- …
Cậu bé trả lời như vắt kiệt những giọt mồ hôi cuối cùng trên thân mà trút xuống con dốc , nhưng tiếng dây sên khua mỗi lúc một lớn chúng tỏ cậu không hề ngơi nghỉ cho ước mơ “nhanh lên” của cô bé. Con dốc dài ghi bóng hình của một sự nổ lực không mệt mỏi nơi cậu của một nụ cười thích thú nơi cô bé, những ngọn cỏ lau bạt người theo chiều con gió ngược.
- Nhanh lên! Nhanh nữa lên!
- Sao mà nhanh được!
- Cậu ta sao thế? Bỏ em gái xuống mà lên dốc chẳng phải đỡ nhọc sức hơn không?
Bồ công anh nói giọng không hề che dấu chút khinh bỉ của mình.
Cột điện không vội trả lời dường như tầm mắt nó nhìn thầy một điều gì phía cuối con dốc dài.
Bóng một người phụ nữ với chiếc xe đạp cũ kĩ đang khua lên dưới sức nặng quoằn của gánh ve chai mà cô ấy đang đẩy, tưởng chừng như số lượng khổng lồ kia có thể đè nghiến người phụ nữ bé nhỏ, nhưng không, trên con dốc dài những bước chân vẫn tiến lên một cách đều đặn, vững chắc. Phía sau cô một đứa trẻ lên sáu đang rít rít kể chuyện ở trường. Cô mỉm cười. Nụ cười tỏa ra một niềm hạnh phúc khó tả như trước mặt cô là một báu vật mà cô tìm kiếm suốt cuộc đời này.
- Sao không tự mua cho mình một chiếc xe đạp tốt hơn nhỉ? Bồ công anh lên tiếng.
Cột điện trầm ngâm như nó đang cố dùng hết những gì biết được trong mười mấy năm tồn tại của mình để giải thích:
- Cậu tự do bay lượn phiêu du qua bao nhiêu miền đất của cuộc đời mình, cậu có thấy hạnh phúc không?
Bồ công anh không đáp nó nghệt mặt ra. Không phải tự do, không trói buộc luôn là mục đích để phấn đấu hay sao ? Nhưng dù có rực rỡ hơn đi nữa, dù có bay qua nhiều vùng đất hơn đi nữa thì liệu có một nơi nào đó muốn nó ở lại? Không cần nghĩ nó cũng biết câu trả lời chỉ có một. Và liệu rằng khi toàn thân nó rệu rã nó có để lại được chút gì cho thế gian này ? Câu trả lời cũng chẳng phải quá rõ ràng hay sao? Vậy tự do để làm gì? Có lẽ cậu bé kia sẽ có một đôi chân mỏi rời trong cuộc hành trình vượt dốc nhưng trong tim em gái cậu, cậu đã trở thành một siêu nhân vĩ đại hơn bất kì siêu nhân nào cậu được biết, còn người phụ nữ kia chỉ cần nhìn vào nụ cười nơi khóe môi cũng đủ nhận thấy gánh nặng mà chị mang trên vai chẳng khác nào những ngọn gió lướt qua mặt hồ yên tĩnh chỉ để lại chút lăn tăn nơi mặt nước nhưng tận dưới đáy sâu kia vẫn không chút xao động. Ngay cả cột điện dù chỉ trơ gan cùng tuế nguyệt nhưng nó vẫn gánh trên mình ánh sáng của một vùng quê hẻo lánh. Thế còn nó Bồ công anh bé nhỏ, nó tự do nhưng liệu rằng nó có hạnh phúc hay không?
Thấy Bồ công anh không trả lời cột điện tiếp tục:
- Trước đây chúng ta luôn lầm tưởng rằng không trách nhiệm, không ràng buộc hay vướng bận. Cứ làm những điều mình thích bất chấp nó sẽ mang lại hậu quả gì là một hạnh phúc nhưng không ai trong chúng ta nghĩ rằng sống có ích, sống để một khi mình không thể tiếp tục được nữa có thể làm người khác nhớ đế mình mới là môt hạnh phúc. Bây giờ có lẽ cậu hiểu điều này rồi phải không? Tất cả những người ấy họ có một thứ được gọi là tình thân nó cho họ dũng khí sức mạnh để vượt qua thử thách của cuộc đời mình vì những người họ thương yêu đang cần họ.
Bồ công anh lặng thinh. Nó không cố sức thoát khỏi đám cỏ lau. Để có ích nó chấp nhận trói buộc.
Có lẽ nó sẽ mệt mỏi khi kinh qua những mưa giông, gió táp nhưng nó chấp nhận vì chẳng phải những thử thách kia sẽ khiến nó trưởng thành hơn hay sao? Trước đây, nó cứ nhầm tường rằng chỉ khi đối mặt với những thử thách khắc nghiệt nhất cuộc đời mình nó mới trường thành nhưng hôm nay chính con người và cây cột điện đã cho nó một sự trải nghiệm mới mẻ, bất giác nó thấy mình lớn hơn đã là một con người mới hơn trong khoảnh khắc trước đã trưởng thành hơn so với sự vô định trước kia.
Nó thì thầm thật khẽ lời cảm ơn vì đã giữ nó lại. Không biết cột điện kia có nghe thấy lời nó nói không chỉ thoáng thấy nó mỉm cười. Gió lại thổi những cánh bồ công anh khác lại tiếp tục cuộc hành trình của mình và biết đâu chúng lại tình cờ tìm được một sự trói buộc tự do?
Tác giả: Nguyễn Thị Vân Lam – K10, Văn học & Ngôn ngữ. 
Vân Lam (giữa) nhận quà tặng của Ban Thưởng thức Âm nhạc, Hội họa và Nhiếp ảnh.

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Khu vườn lưu lạc

Truyện ngắn đạt giải Nhất cuộc thi viết văn Con người Mới 2011 của CLB Văn học.

KHU VƯỜN LƯU LẠC
Mã số A10
Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối tôi được nhìn ngắm những con chữ này.
Quyển sổ xanh nhạt vẫn nằm đó, mùi ai oán tỏa ra nhè nhẹ. Sự quên lãng chôn vùi mọi thứ sâu hơn một cơn động đất. Còn cuốn nhật kí của quá khứ kia bị chôn vùi sau mười tầng vở cũ. Ẩm mốc và nhợt nhạt.
Trong quyển số ấy, là khu vườn lưu lạc thân yêu của tôi, vẫn ngủ vùi chưa trở dậy.
Tìm về chốn cũ nơi cất giấu những giấc mộng đẹp đã không còn dễ dàng. Có lẽ, khu vườn trong mơ bao năm qua, người chăm sóc đã ra đi không trở lại. Con mèo đốm hay khóc đang ngủ quên giấc trưa trong cái chậu gỗ sứt quai. Mọi thứ vẫn đâu đó nguyên vẹn. Chỉ mình tôi đã quên đường quên lối. Những bông hoa maguerite tinh khôi vẫn đứng lặng thinh sau dãy hàng rào trắng. Cảnh vật dường như bám một lớp bụi mỏng, đông cứng lại cái vẻ tươi sáng giống làm bằng giấy bìa vậy.
Con bọ cánh cam tôi bắt trong một trò chơi anh hùng trẻ con vẫn mải miết trong lọ thủy tinh trong suốt. Nó vẫn không thôi với ước muốn tự do. Cái chong chóng bằng lá dừa vẫn nhẫn nại và kiêu hãnh xoay những vòng đều đặn trên cánh đồng đầy gió. Những khung cửa nhỏ bằng phấn trắng trong trò chơi ô ăn quan hết vơi lại đầy. Ở góc kia, hình như có những đốm sáng lấp lóa, lấp lóa…Những viên bi tròn xoe, có viên trong suốt như giọi nước mắt, có viên trắng ngọt lịm như hạt sữa, có viên đầy sắc màu biến ảo không ngừng. Chúng vãn ngoan hiền nằm yên đấy chờ tôi về hay sao. Có một thời trong tôi chúng là những viên ngọc đẹp đẽ nhất dưới ánh sáng mặt trời.
Đợi chờ mãi, tôi lần mò đến cái chậu gỗ đầy len đợi con mèo cưng thức dậy. Nhưng hóa ra nó không hề ngủ. Nó chỉ đang suy nghĩ. Rồi nó chạy và chạy, dẫn tôi xuyên qua những đám mây lặng lẽ đến một phòng học quen thuộc của một buối sớm mùa hè.

Hết cảnh này rồi cảnh khác trôi tuột qua người tôi như một bộ phim quay chậm. Đâu đó những người tôi quen, những người tôi không quen, những người trong quá khứ dần trong suốt thành những cái bóng mỏng như cánh chuồn chuồn. Họ đi lại, họ học bài, họ ca hát, họ chơi bóng rổ, họ uống sữa đậu nóng, ăn mì chanh và đi cùng nhau. Có bữa nọ họ sắp xa nhau nên ôm nhau khóc nức nở. Ở trung tâm đám đông ấy có một người không bị hóa thành bóng. Người đó cũng khóc, cũng cười, cũng mong muốn, cố gắng lớn lên mạnh và đầy niềm tin như một cái cây vậy.
Không nhận ra ư, đó là chính mình của nhiều năm về trước.
Sự trưởng thành đầy rẫy những trận cảm sốt chếnh choáng. Nó khiến người ta lạc lối. Phía trước là căn nhà nhỏ thuở bé tôi từng tin trong đấy đầy rẫy những loài ma quỷ. Thậm chí tôi và cô bạn nọ đã từng muốn làm một cuộc thám hiểm như những kẻ liều lĩnh. Nhưng giờ tôi đứng trước đó, dửng dưng. Đã lâu rồi từ khi lớn lên, tôi không còn tin mình lúc là bé con nữa. Tôi lại thấy nó, đứa trẻ không có tuổi trong tôi, chạy nhảy nơi vườn đêm. Nhìn vào mắt nó, tôi kinh ngạc thấy xung quanh tàn lụi nuốt chửng chính mình nhè nhẹ vào đất cát và không khí. Và bản thân tôi đang rã nát chầm chậm. Đã bao lâu rồi tôi không trở lại nơi này, nó vẫn vẹn nguyên những gì tôi làm rơi mất trên cuộc chạy đua ngoài kia đầy giông bão. Khu vườn vẫn hát những lời ca trong trẻo. Những giấc mơ thuở bé và những lời hứa với con mèo đốm lại bị tôi chôn vùi. Niềm tin giản dị mà nhẹ nhõm tôi đánh mất đã tan chảy đọng thành vũng nước lớn.
Khi nhận ra những gì qua đi vĩnh viễn không quay lại, tôi thấy mình khóc nấc thành tiếng không sao ngăn được.
-   Đừng bao giờ trở lại nơi này, nó vĩnh viễn không thuộc về người nữa. Những lời tàn rữa người đem về chỉ khiến mọi thứ chết theo người mà thôi.

21.06.2008
Tác giả: Trần Phượng Linh, sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành Văn học, khoa Văn học & Ngôn ngữ. 
 

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Kết quả chính thức cuộc thi viết văn Con người Mới 2011

* Tản văn:
            - Giải Nhất:Không có
- Giải Nhì: Cầu vồng kìa Bố. Tác giả: Ngô Thị Thúy Nga, K07, Khoa Văn học & Ngôn ngữ.
- Giải Ba: Đó là tuần cuối cùng của tháng bảy, và mùa mới. Tác giả: Hồ Thị Xuân Huy, K07, Khoa Quan hệ quốc tế.
* Truyện ngắn:
- Giải Nhất: Khu vườn lưu lạc. Tác giả: Trần Phượng Linh, K09, Khoa Văn học & Ngôn ngữ.
- Giải Nhì: Những lời thì thầm. Tác giả: Nguyễn Thị Vân Lam, K10, Khoa Văn học & Ngôn ngữ.
- Giải Ba: Con ốc và đại dương. Tác giả: Chế Trần Diệu Ánh, K07, Khoa Văn học & Ngôn ngữ.

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Thư mời tham dự buổi giao lưu với nhà văn Nhật Chiêu và trao giải cuộc thi sáng tác Con người Mới 2011

ĐOÀN KHOA VĂN HỌC & NGÔN NGỮ
  CLB VĂN HỌC & NGHỆ THUẬT
                  -----0-----                        
TP Hồ Chí Minh ngày 11  tháng 3  năm 2011

THƯ MỜI
Tham dự buổi giao lưu với nhà văn Nhật Chiêu
và trao giải cuộc thi sáng tác Con người mới 2011

                  Kính gửi: - BCH Đoàn các khoa/bộ môn.
                                    - Thành viên CLB Văn học & Nghệ thuật
                                    - Các bạn sinh viên hệ Cử nhân tài năng Khoa VH&NN
                                    - Các bạn sinh viên yêu thích văn chương
CLB Văn học & Nghệ thuật, Khoa Văn học và Ngôn ngữ sẽ tổ chức chương trình giao lưu với nhà văn Nhật Chiêu với chủ đề “Trò chuyện về truyện ngắn” và Lễ trao giải cuộc thi viết văn 2011 của Câu lạc bộ.
1.      Thời gian: 7h30 – 11h30 thứ Bảy ngày 19 tháng 3 năm 2011.
2.      Địa điểm: Phòng D404, Trường ĐHKHXH&NV cơ sở 1.
3.      Chương trình:
7h30 – 8h00:          Giao lưu văn nghệ
8h00 – 10h00:       Giao lưu với Nhà văn Nhật Chiêu, Trưởng ban Giám khảo với chủ đề “Trò chuyện về truyện ngắn”
10h00 – 10h30:     Bầu chọn và tặng quà cho những bạn có câu hỏi giao lưu hay nhất.
10h30 – 11h30:     Công bố kết quả cuộc thi viết văn “Con người mới” và trao giải.
Thân mời các bạn sinh viên tham gia chương trình. Để được nhận một bản in các tác phẩm đoạt giải xin vui lòng đăng ký trước ở địa chỉ email CLB clbvanhoc.xhnv@gmail.com Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. .
Rất mong nhận được sự tham gia nhiệt tình của tất cả các bạn!
                                                                                            TM Ban tổ chức
                                                                                                 Trưởng ban

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Nhẹ nhàng

Cách đây hơn ba năm, Hoàng Minh Thông chính thức trở thành thành viên của CLB Văn học. Một chàng trai mà với sự xuất hiện của mình đã làm cho dân tình rất xôn xao. Có lẽ vì bạn ấy đặc biệt quá! 
Hình ảnh Minh Thông ngày ấy nì:

 Và những bài thơ đầu tiên Thông ra mắt CLB nữa.

CHÙM THƠ XUÂN

1.THANH TỈNH

Thả gàu múc giếng xanh
Múc cả trời rửa mặt
Mát sạch, lòng tươi lại
Hé nụ cười. Chớm xuân


2. XUÂN VIÊN

Trăng tìm nép cửa khe xuân
Vườn xanh mướt ngọc trong tuần vi vu
Mở lòng nhẹ với thiên thu
Khẽ khàng ngơ ngẩn tiếng ru lạc mình

3. GIỌT MƠ

Mờ sương một hạt
Mắt em mờ sương
Thôi không khuya hắt
Ngọn đèn vấn vương

Còn dưới đây là một trong những cảm nhận về Minh Thông thuở ấy:

Cigol, lạ...
                   - Nguyễn Trần Thiên Lộc -

Đọc mấy bài thơ xuân của Cigol hay thật! Nó viết em chả hiểu gì nhưng quả thật thơ nó rất hay. Không đùa đâu nhé!
Gặp Cigol mới biết con người nó cũng hay như thơ nó vậy.
Gặp Cigol là lúc làm con thuyền thơ.
Lúc chị Dung ma ma (Trần Ngọc Dung, Văn 4B, chủ nhiệm CLB 2008 - 2009) đem con thuyền đến, thấy một chàng trai đi khuất khuất đằng sau. Thoạt nhìn thấy mặt giông giống Chi Bảo (Cái này là cảm quan của em nhé! Bác nào thấy không giống cứ việc cãi!). Sau nó lại gần mới biết không phải Chi Bảo. Vì chị Dung ma ma giới thiệu nó là Minh Thông, dân Quan hệ quốc tế. Em gật gù, Minh Thông thì lúc nãy có đọc một bài gì gì đó của nó, cũng hay, nhưng quên mất tiêu rồi.
Cứ đinh ninh Minh Thông với Cigol chẳng có dây nhợ liên quan gì cả.
Minh Thông nói năng nhỏ nhẻ, nhẹ nhàng, trầm tĩnh. Con gái câu lạc bộ đố ai... thùy mị bằng nó. Lại thêm cái khéo tay. Từ đầu tới cuối một mình nó xử lý cánh buồm, chuyên nghiệp như thợ đóng thuyền. Nếu không vì nước da trắng trẻo của nó, em đã đoan quyết nó là dân chài rồi.
Nó ngồi cột cột đo đo. Em đứng ngoài trơ mắt ngó, lâu lâu lại chõ vào: Cột cái thanh dài thêm một chút nghen! Cái đó để cao cao lên nghen!... Nó không cự nự gì, chỉ ừ ừ, dạ dạ. Nghe mát cả ruột, ke ke ke.
Một lúc xong cánh buồm, ngồi soạn thơ ra đọc, thấy nó ré lên, sao bút danh của mình là Cigol mà ai lại đề Minh Thông, em mới biết Cigol = Minh Thông và Minh Thông = Cigol. (Kiểu như tuy hai mà một đó bà con.)
Xong cánh buồm rồi, mời nó ra ngoài chỉ đạo, không cho làm nữa. Nó thoát khỏi lao động rồi thì mới hiện hình văn chương ra. Dòm nó ngồi bình thơ với anh Kiến Nam và chị Mỹ Dung mà muốn lác mắt. Hàn Mặc Tử thế này, Hàn Mặc Tử thế kia. Xuân Diệu thế này, Xuân Diệu thế kia. Cigol thế này, Cigol thế kia. Kiến Nam thế này, Kiến Nam thế kia...
Em vốn dốt thơ. Thoạt đầu đọc thơ Cigol chẳng hiểu gì, chỉ thấy lạ lạ, hay hay. Sau nghe chị Mỹ Dung nói thơ Cigol tĩnh quá mới giật tờ giấy gật gù, thơ Cigol tĩnh thật. Anh Kiến Nam nói thơ Cigol chỗ này sâu sắc quá, em lại giật tờ giấy, đúng rồi, sâu sắc thật.
Chỉ một điều em lấy làm lạ, sao nó làm thơ và hiểu thơ sâu thế. Ngồi hóng hớt một chặp mới vỡ lẽ Cigol hồi trước là dân năng khiếu. Thảo nào!
Bút danh của nó cũng không giống người ta.
Chị Mỹ Dung hỏi bút danh của Thông đọc thế nào, Xi gôn hay Xai gờn. Nó bảo, chị muốn gọi sao cũng được. Lát sau chị lại hỏi, Xi gôn hay Xai gờn. Nó trả lời, tuỳ chị.
Một lúc nó mới tiết lộ, thực chất Cigol không có nghĩa. Cigol là viết ngược của từ Logic. Mà ngược của logic là phi logic. Đó chính là logic của thơ. Mọi người gật gù, hay hay hay hay.
Cigol tỏ ra rất hợp với anh Kiến Nam. Anh Kiến Nam cũng làm thơ. Thơ anh thì em hiểu. Anh có bài "Ba lấy vợ", viết rất tài. Xem chỗ anh viết "Con thấy lòng se cay" thì chẳng sao. Thế mà đọc câu cuối "Ba nhé, mai có vợ" mới thật thấy se cay. Tài thế!(ai muốn biết vì sao se cay thì tự tìm đọc nhé!)
Cigol ngồi bình thơ với anh Nam đến chập tối. Anh Nam chạy mất rồi nó lại ngồi nghe Công Danh bình thơ. (Công Danh là người Phú Yên, khá đa tài. Em nghe nó hát rồi, máu lửa lắm! Chỉ có điều chưa ngâm cứu thơ nó. Hôm nào đọc kĩ sẽ đía vài câu về nó cho vui.) Hai thằng ngồi bệt dưới đất bình thơ, chốc chốc lại gật gù. Phúc, hai chị Dung với em cũng gật gù. Hai thằng tụi nó gật gù vì hiểu thơ, còn mấy người tụi em thì gật gù vì đứng mỏi. Cứ mỗi lần tụi nó gật gù, chị Dung ma ma lại chen vào rối rít, xong chưa mấy em, xong chưa mấy em. Lỗ tai tụi nó lúc đó đầy thơ, chả thiết gì đến xung quanh. Nghe chị hỏi vậy vẫn cứ tiếp tục gật gù, tiếp tục bình. Chốc chốc chị lại xong chưa mấy em. Tụi nó lại tiếp tục gật gù. Em nhớ chị hỏi đâu khoảng lần thứ năm thứ sáu gì đó tụi nó mới đứng dậy phủi mông, hà hà hay quá. Đứng lên rồi vẫn tiếp tục gật gù.
Tối về nghĩ lại thấy buồn cười. Chị Dung ma ma mà không can thiệp chắc hai thằng ngồi cho muỗi cắn tới khuya. Em không bình thơ với Cigol (biết gì đâu bình!), vậy mà ấn tượng về nó. Thấy anh chàng lạ lạ, hay hay nên muốn viết chút chút. Giờ phải đi ngủ, khuya rồi!

Thôi, ôn xưa nhớ cũ vậy đã đủ rồi, nay Minh Thông đã là sinh viên năm thứ ba khoa Quan hệ Quốc tế, vừa gánh Đoàn khoa vừa lo Đoàn trường nhưng chàng vẫn không bao giờ lơ là CLB cả, thật đáng quý! 
Ngắm chân dung cán bộ Đoàn này. Hi hi.

 Người ta hay nghĩ rằng, cho rằng, và chính tôi cũng cảm thấy rằng, dân Văn khó lòng phục nhau lắm. Chính vì thế, cùng là thành viên của một CLB văn thơ như nhau, mà có tác phẩm để cho các "đồng đạo" phải nhớ, phải thuộc, phải tâm đắc thì chắc hẳn đó phải là một bài thơ xuất phát từ một hồn thơ rất đặc biệt. Tôi đang nhắc đến bài thơ "Tình nhỏ".
 Lang thang một góc phố quen
Nơi em đánh rớt tim em một mình
Lang thang nơi phố hẹn tình
Chớp ô đầu ngõ vô hình với ai

Lang thang cho hết ngày dài
Cho qua bể rộng cho hoài sợi dây

“Em tưởng nước giếng sâu
Em nối sợi gàu dài
Ai ngờ nước giếng cạn
Em tiếc hoài sợi dây”

Sợi dây ai bền bằng rưng bằng đước
Sợi dây em bền bằng nước mắt trong

Em mang mối tình gom bỏ sợi chỉ hồng
Quấn quanh, buộc lạt, lòng vòng
Em làm thinh

Lạt mềm buộc chặt
Tình mềm thả trôi

Tóc xanh đến bạc đầu vôi
Môi hồng đến đỏ son thôi cũng vừa

Giọt mưa rơi thì vỡ trên mặt nước
Giọt nước mắt rơi thì vỡ trên mặt người
Nắng có rơi cũng chảy trên đồi
Nụ cười có rơi


Trăng đánh rớt khuôn vàng trong đêm hò hẹn
Ai đánh rớt tình em trong nỗi nhớ hoài mong
Ai bảo em duyên số long đong
Lạt mềm buộc chặt
Sợi chỉ hồng
Mong manh
.


Lang thang nơi góc phố hiền
Nơi em đánh rớt tiếng thềm nhớ ai

--------------------

 
Sài Gòn vào mùa nắng rồi thì phải. Đọc vài dòng thơ mượt mà để cảm nhận được sự nhẹ nhàng đang khe khẽ trôi qua...

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Nắng vàng đi đâu

Nắng vàng ơi!
Có thể khe khẽ gọi những lúc giao mùa ba tiếng ấy, để đón chào, và cũng để nuối tiếc. Nắng đều cho bốn mùa, nhưng không phải mùa nào cũng mang sắc vàng cả. Nắng xuân hồng, nắng hạ đỏ, nắng đông trắng, nắng thu vàng. Ta gọi người có tấm lòng thơm thảo như gió thu và nụ cười sáng như ban mai ấy bằng tên gọi Nắng vàng...
Bạn có biết chưa? Chiêu có nghĩa là nắng đấy!
Chiêu có thể viết truyện ngắn, tản văn và cả thơ. Riêng thơ thì đã được đóng dấu đảm bảo chất lượng và chất thơ. He he.
Bằng giải Nhì cuộc thi thơ Tâm hồn Việt do CLB tổ chức năm 2009 với bài RU:
Ầu ơ mẹ hát ru buồn
Mặt ao động đậy con chuồn chuồn tương
Rau thơm rau quế mua hương
Bến sông chín đợi mười thương con đò
Cày bừa  đêm nghĩ ngày lo
Cấy gieo mong ngóng những trò nắng mưa 
Ngọt bùi  đắng khổ ngày xưa
Mẹ đem gom góp vào mùa ru con
Ầu ơ tiếng mẹ trên non
Cõng cực mà đổ cực còn theo sau
Con cười lúc mẹ đớn đau
Nhớ nơi cắt rốn chôn nhau mà về 
Mẹ ru gió hẹn trăng thề
Xa nhau nghìn dặm sơn khê cũng tìm
Ầu ơ còn một vóc duyên
Người đưa kẻ đón răng huyền tóc mây
Hết duyên chẳng nợ, riêng ai
Về trưa  đi sớm hôm mai một mình 
Lời ru mang nặng ân tình
Nuôi hồn con lớn nuôi hình con khôn
Gửi con mảnh phận long đong
Dành con một chút má hồng ngày sau.
Để thời con gái, hương cau
Ướp trong một nắm lá trầu làm duyên. 
Con đi màu tóc thanh thiên
Mẹ ngồi chải tóc hoa niên cùng chiều
Con về  vẫn gió liêu xiêu
Bờ tre, bụi chuối, tiếng kêu chim trời
Mẹ ru con giữ từng lời
Nay tung vào gió, mây trời thênh thang. 
Chiêu tại lễ trao giải Tâm hồn Việt.
Ngay sau đó, cô nàng đã bưng về cho CLB một giải Ba thơ Bút Mới của báo Áo Trắng, với một bài thơ rất giản dị: CHO NGÀY MAI

Giật mình
Vừa qua giấc chiêm bao dang dở
Đêm lặng thinh
Nghe tiếng mẹ thở, thấy yên bình.
Trở mình ngó ra song cửa
Chiếc lá nghiêng hứng trăng
Gió khẽ cựa,
Trăng đong đưa
Thoảng từ đồng mùi lúa non ngậm sữa
Mang mồ hôi cha thấm đất mặn nồng
Mang dáng mẹ lưng cong cấy hàng mạ thẳng
Cùng tháng năm nắng mưa nuôi nấng.

Con chim đớp muỗi chao qua
Ngọn đèn dầu liu hiu nghiêng ngả
Rồi vụt tắt.
Đêm im bặt đến nghẹt thở.
Trở dậy  khêu đèn
Như khêu lại một thuở bỏ quên
Một quầng sáng ấm đêm giữa rẫy,
Soi bữa cơm chái bếp quây quần
Đôi tay mẹ bó từng lọn muống
Soi chị em mấy tiếng ê a,
Quầng sáng đâu chỉ của hôm qua
Ngắm khuôn mặt cha biết mình chưa xứng đáng.

Lên Sài Gòn.
Gói theo cọng rau dền rau sam,
Gói màu vàng bông tràm,
Chất phèn giếng nước,
Tiếng gà trưa hè trước,
Gói cả con cạp nia trên mái nứa tranh.
Định để dành
Nhưng bỏ quên dưới đáy va li
Chiều nay bị cơn mưa lục lại.
Hai mươi tuổi,
Tôi thấy tôi bé dại.
Bây giờ chúng ta cùng chiêm nghiệm thêm góc tản văn của Chiêu nhé! CÀ PHÊ SỮA
Chà, mưa rồi. Hai mươi mốt tuổi. Trải qua bao nhiêu mùa mưa và càng không biết bao nhiêu cơn mưa, kể từ khi biết dạ thưa, biết ăn cơm phải sạch cái chén và biết chạy vào nhà đong một lon gạo cho ông cà thọt đi xin. Vậy mà mỗi lần mưa lại “tự nhiên” thấy buồn. Nỗi buồn có khi nhẹ nhàng mưa bụi, có khi lại đáng sợ như đêm mưa giông gió. Có cái gì nhớ nhớ, quên quên lãng đãng trong tâm thức. Nghe như thịt da se lại. Và khó thở.
Tạt vào một quán Cà phê trú mưa. Tôi luôn gọi Cà phê sữa. Không hẳn vì ghiền, còn một điều đơn giản nữa, là để thỏa mãn cái sở thích ngắm những giọt cà phê rơi và cái cảm giác chờ đợi.
Mỉm cười và nói lời cảm ơn anh chàng phục vụ.
Giọt cà phê lơ đãng chần chừ một chút rồi buông mình xuống. Chạm vào sữa, tạo thành một chấm đen giữa nền sữa trắng ngà. Rồi giọt thứ hai,…giọt thứ ba,…
Tôi thả lưng trên chiếc ghế tre, đắm mình theo những khúc nhạc trầm bổng đê mê. “ Chỉ có một thời để yêu và để thương. Chỉ có một thời, để giận hay dỗi hờn…”
Nhắm mắt và bỏ mặc tất cả. Nhiều hình ảnh chạy qua như lướt một thước phim, rồi chúng nhảy múa trong trí óc tôi. Những ruộng mía thân tím mướt thẳng tấp mang cái ngọt ngào của mật nắng. Cha chở tôi và thằng em trên chiếc xe thồ nặng trịch, qua những cái hố cái mương của con đường rẫy gập ghềnh ra trường học ngoài xóm. Hàng dừa nghiêng chải tóc mây xanh và lao xao những đêm trăng trai gái hò hẹn. Mẹ lom khom đánh hàng, móc đất dặm dây khoai lang trong lất phất mưa với cái nón thâm màu và tấm ni lông che thân tạm bợ. Tôi và lũ bạn dưới cái nắng cháy da, lặn lội mười hai cây số đạp xe từ trường về nhà, ống quần áo dài bị sên xe nhớt ăn đen, đói rã ruột mà vẫn rộn tiếng cười nói. Tấm giấy báo trúng tuyển đại học với những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi...
Rồi những hình ảnh ấy nhạt nhòe dần. Quá khứ và hiện tại tranh giành giằng xéo. Rách toạt. Vương vãi. Rồi lại vẹn nguyên…
Cơn gió thổi qua cái thấm lạnh của thịt da. Giật mình. Mưa tạnh rồi mình còn đi rong.
“Song from a secret garden”...Thấy mình bay qua cánh đồng… Cánh diều giấy tôi và thằng em thả trên gò chiều xanh cỏ. Những thân lúa đỏ ngầu vì ngập lũ. Một cánh cò níu vạt nắng ở lại với ngày…
Thấy mình bay qua những phố phường…Xe hủ tíu gõ khói thơm bốc lên từ nồi nước lèo vừa đẩy ra phố từ một con hẻm nhỏ. Những dòng xe dòng người hối hả khẩu trang và mũ bảo hiểm. Nhát chổi lẹt xẹt của người lao công quét cái buồn đêm lạnh…
Thấy mình từ từ rơi, rơi, rồi đáp xuống, nằm bên một con đường mùa thu đầy lá, người ta đi qua, người ta đi lại…
Một tin nhắn đến đưa mình về với hiện tại. “Buổi chiều bình yên, bạn của tôi!”
Bình yên?
Cà phê và sữa tạo thành hai lớp màu đen trắng. Cuộc đời này không có gì là rạch ròi cả. Chẳng đắng cay riêng ai mà cũng chẳng cho ai mãi phần ngọt ngào. Vừa dùng thìa khuấy đều tôi vừa nghĩ như thế. Mùi thơm dậy lên ngây ngất. Bây giờ thì sữa và cà phê quyện vào nhau trong một màu nâu rất đỗi mặn mà và quyến rũ. Cuộc đời là một ly cà phê sữa. Đen và trắng. Ngọt và đắng. Hạnh phúc và khổ đau. Tốt và xấu. Yêu và ghét. Nỗ lực và tuyệt vọng…
Kìa, lại nắng rồi. Đúng là “Sài Gòn mưa trưa nắng sớm…”. Những tia nắng sau mưa, những tia nắng cuối ngày như vàng hơn, chiếu xuyên qua giọt mưa đung đưa còn đọng lại nơi ngọn lá.

Đã qua mùa thi, và chúng ta lại náo nức đón một cái Tết ấm cúng với gia đình. Gửi đến các bạn chút nắng từ Chiêu để Tết này càng thêm ấm cúng nhé!
Thân mến, và mừng mọi người cùng sang tuổi mới! :)
À có ai tự hỏi, không biết nắng vàng đi đâu không? Trả lời rằng Tết này nắng vàng đi Xuân tình nguyện đấy! :)