Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Người kể chuyện tuổi thơ

Mục giới thiệu thành viên đầu tiên của Ban Sáng tác xin dành đất cho Chủ nhiệm của CLB Văn học & Nghệ thuật: Nguyễn Trần Thiên Lộc. Các bạn có thể xem dung nhan của chàng ở dưới.
 
Sở trường truyện ngắn và truyện dài, nhưng làm thơ cũng có một số vốn kha khá rồi. Làm chủ nhiệm CLB đã 2 năm rồi đấy! Bình thường thì luôn vui vẻ, điều này chắc các bạn biết rồi, nhưng đừng chọc giận nhé! Kinh khủng lắm đấy. Hi hi hi.
Sau đây mời các bạn cùng làm quen với một vài tác phẩm của tác giả Nguyễn Trần Thiên Lộc nhé!

Bài thứ nhất: LÝ DO CHÍNH ĐÁNG - Truyện ngắn

Ngày đầu tiên nhập học, chẳng ai muốn nổi tiếng bằng cách mò vào lớp sau thiên hạ. Không nhất thiết phải làm học sinh gương mẫu nhưng ít ra cũng phải đến trường đúng giờ. Tôi không mong được thầy cô “ưu ái” xếp vào dạng cá biệt nên tối hôm trước đã đặt hai cái đồng hồ báo thức.
Vậy mới chắc ăn!
Đêm đó, tôi mơ một giấc mơ thật đẹp. Tôi không thuật ra đây nhưng các bạn phải hình dung giấc mơ đẹp đến nỗi khi hai cái đồng hồ nối nhau rung lên, tôi không buồn bật dậy như đã quyết tâm trước đó. Tôi chỉ khẽ thò tay tắt cái bụp. Vậy là lại tiếp tục “giấc mơ tiên”.
Đến khi giật mình choàng dậy, tôi... hận mấy ông sản xuất đồng hồ kinh khủng. Chứ sao! Nếu người ta giấu kỹ cái nút “on, off” hoặc làm cho nó khó sử dụng hơn thì tôi đâu có ngủ quên như vậy. Đằng này họ lại đặt cái linh kiện quan trọng đó ở một cái chỗ lộ liễu vô cùng và cách sử dụng nó cũng cực kỳ đơn giản. Đơn giản đến mức không cần đến một ý thức tỉnh táo, bạn vẫn có thể tắt bụp nó dễ dàng giống như tôi đã làm trong lúc... đang còn mơ. Thật là bi kịch!
Nhưng dù có trễ cả tiếng đồng hồ, bạn vẫn không thể bỏ ngày đầu tiên được. Nếu làm thế, tôi dám chắc cái tên của bạn sẽ bị thầy cô chú ý nhiều hơn. Một thằng nhóc vô kỷ luật. Hẳn là người ta sẽ nghĩ như vậy rồi. Mà như thế thì oan quá. Dù sao trốn buổi đầu cũng không phải là thượng sách.
Thượng sách là bạn phải trình bày hoàn cảnh éo le của mình sao cho thầy cô có thể sụt sùi cảm động mà bỏ qua lỗi lầm của bạn. Bạn phải nghĩ ra một lý do chính đáng và tội nghiệp đủ để khi xếp trong một tương quan so sánh nó là con voi, còn cái sai của bạn chỉ là con kiến.
Nhưng để tìm ra một... con voi như thế không dễ dàng gì, nhất là khi bạn vừa phải hộc tốc đạp xe vừa phải nặn óc suy nghĩ. Kẹt xe ư? Sẽ là một phương án hay nếu tôi ở một thành phố lớn. Còn thành phố của tôi thì đốt đuốc soi mười năm cũng chẳng tìm thấy vụ kẹt xe nào.
Không thể lò dò vô lớp với bộ mặt “nai tơ” mà gãi đầu: “Em lỡ ngủ quên!” được. Nếu bạn học cấp một thì lý do thật thà đó còn có thể được chiếu cố. “Ừ, thằng nhỏ còn ham ăn ham ngủ. Thôi tha cho nó lần này”, thầy cô nghĩ vậy và khoát tay một cách bao dung: “Em có thể vào!”. Nhưng tôi không học cấp một. Năm nay tôi lên cấp ba. Học đến cấp ba rồi thì không thể biện hộ mình còn ở độ tuổi ham ăn ham ngủ như các em nhi đồng được. Nghĩ vậy, tự nhiên tôi thèm được nhỏ đi vài tuổi vô cùng. Trời đất ơi!
Cuộc đời không phải là trang cổ tích. Không phải cứ cầu là được, cứ ước là thấy. Nguyện vọng quá đáng của tôi cũng không thể nào là hiện thực, dù có kêu trời đến trăm bận, kêu đất cả ngàn lần. Nhưng cuối cùng, trong đầu tôi cũng lóe lên một kế: hư xe. Phải! Tại sao tôi không nghĩ ra cái lý do đơn giản ấy ngay từ đầu nhỉ? Hư xe. Quá chính đáng! Thật tuyệt vời!
Dĩ nhiên tôi không thể phá hỏng chiếc xe rồi vác thẳng nó lên tận tầng ba để trình cho giáo viên và cả lớp thấy. Nhưng tôi muốn lý do mình đưa ra thật sự thuyết phục. Tôi muốn mọi người tin rằng lời nói của tôi là sự thật trăm phần trăm. Thế là tôi tấp xe vào lề đường.
Đó là một khúc đường vắng nên chẳng ai để ý đến hành động kỳ quái của tôi. Đầu tiên tôi tháo cái đĩa chắn sên xe ra, quệt một ít nhớt và xoa đầy hai tay. Phải làm cho giống xe bị hư nặng một chút và để mọi người tin rằng mình đã phải sửa chữa một cách khó khăn, tôi ịn một vết nhớt lên gò má, giống như ta đây đã cố gắng đến toát mồ hôi, đành phải đưa cái tay dơ hầy lên chặm mặt. Còn định quẹt nhớt lên áo nhưng sau một hồi tính toán thiệt hơn lại thôi. Hi sinh cái áo trắng bóc đó, mẹ không treo tôi lên mới lạ.
Mọi việc xong xuôi, tôi... hùng dũng giong xe đến trường.
Bác bảo vệ chặn tôi lại:
- Mày đi học muộn!
Tôi vội xòe hai bàn tay ra... khoe:
- Cháu hư xe.
- Mày nói xạo! Ngủ quên phải không?
Không biết ông bảo vệ này giữ cổng trường được bao lâu rồi mà “cao thủ” đến thế. Nhưng tôi tin ông chỉ đoán mò, bèn cãi cố:
- Cháu hư xe thật mà!
Bác bảo vệ lắc đầu:
- Đừng chối nữa! Về đi! Ngủ quên đến lớp trễ chỉ làm trò cười cho bạn bè.
Tôi nói như sắp khóc:
- Cháu nói thật mà! Cháu dậy từ lúc năm giờ. Trên đường đi xe bị trật sên...
Bác bảo vệ nheo mắt, giọng châm biếm:
- Và cái gương nhà cháu bị bể cho nên cháu không biết mắt mình vẫn còn ghèn và trên cái đầu xù như tổ quạ có dính một cọng chiếu...
Tôi đứng chết trân. Quả thật lúc nãy tôi chỉ rửa mặt quáng quàng rồi vội vã bươn đi nên không kịp... chỉnh đốn dung nhan. Mặt tôi đỏ dừ. Đúng là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên! Cuối cùng tôi đành ngượng ngập thuật lại đầu đuôi nguyên do. Bác bảo vệ khoát tay, tỏ ra rộng lượng:
- Thành thật ngay từ đầu có phải tốt không, cậu bé.
Rồi bác cười buồn:
- Ngày xưa tao cũng có những giấc mơ như mày. Nhưng tao không có đồng hồ báo thức. Chỉ có một con gà trống thôi. Mà gà trống thì khi nó gáy tao không thể chạy ra chuồng bóp cổ cho im rồi trở vào ngủ tiếp như mày có thể làm với chiếc đồng hồ đâu.
Tôi im lặng, ngoan ngoãn dắt xe qua cổng. Bỗng bác gọi giật giọng:
- Này! Lại lấy đôi dép bác mà mang! Mày không thể trưng cái lý do hư xe ra cho thầy cô tin trong khi dưới chân đang đi một đôi dép hai màu đâu.



 Bài thứ hai: GIÁNG SINH MƯỜI TÁM - Tản văn

Như mọi năm thì viết thư cho ông già Noel. Năm nay lớn rồi, biết là ông sẽ không đến, không bao giờ đến nữa, thế mà vẫn viết thư cho ông. Còn xin thêm một cái laptop. Nhưng có lẽ ông chẳng đủ tiền mua.
Nghĩ cũng lạ. Điều ước nhiều khi có giá đàng hoàng. Mà cũng tăng vùn vụt như xăng.
Nhớ hồi xưa xa lắc, cứ tới Giáng sinh mà được ông già Noel tặng ống kẹo sôcôla khoảng hai ngàn đồng là mừng hết lớn (đó là theo thời giá ngày xưa, giờ ống kẹo đó cũng năm ngàn rồi). Lớn lên một chút, đi học lớp 1, lớp 2 đã biết tính toán rồi thì ước gì tối nay ông già Noel tặng mình một hộp phômai Con bò cười, hồi đó khoảng mười mấy ngàn. Sôcôla với phômai thì ngon ngang ngửa nhau, mỗi thứ một kiểu.
Phômai cắn một phát ngập răng, rồi nghe cái vị béo ngậy, mằn mặn tan dần tan dần trong miệng. Sôcôla ngọt ngào, lại có một cái gì đó quyến rũ đặc trưng không thể tả. Nhưng so ra thì xin phômai sẽ được nhiều hơn, lợi hơn. Thế nên điều ước Con bò cười theo đuổi đến mùa Giáng sinh lớp 5.
Lên lớp 6, thấy bạn bè chuyền nhau cái máy điện tử cầm tay bấm bíp bíp bíp thì thèm lắm. Về nhà viết thư ngay cho ông già Noel, ông ơi con muốn một cái máy xịn hơn máy của thằng Tí Em. Viết xong nhờ mẹ gửi. Mẹ mở ra kiểm tra lỗi chính tả rồi nói chơi điện tử hư mắt, ông già Noel không cho đâu. Nghe mẹ nói vậy cũng hơi lo lo nhưng vẫn hi vọng. Mấy năm trước xin sôcôla có sôcôla, xin phômai có phômai, năm nay đâu lẽ nào lại khác.
Đêm Giáng sinh cứ thấp thỏm không ngủ được, cứ nhất quyết phải đợi ông già Noel. Mẹ la, bảo nếu con không ngủ thì ông già Noel sẽ không đến. Mình lắc đầu nguầy nguậy nói không không, con phải thức tới sáng để đợi ông. Nói xong câu đó thì nằm xuống ngáy khò khò. Chán thật!
Sáng mở mắt ra là lật ngay gối lên, thấy bì quà thì mừng húm. Hí hửng mở ra rồi tiu nghỉu. Vẫn là Con bò cười.
Từ đó ghét Con bò cười (chỉ ghét cái mặt con bò thôi, vẫn thích phômai), rồi giận luôn ông già Noel. Tự nhủ lòng từ nay không bao giờ viết thư cho ông nữa. Quyết tâm lắm nhưng đến năm lớp 7 thì hết giận ông. Tại thằng Thành xách hai cái máy bộ đàm ba nó mua cho đi khoe khắp lớp. Ông thật là may!
Cặp bộ đàm chỉ liên lạc được với nhau trong chừng mười mét thôi nhưng thằng nào cũng khoái. Cứ chia nhau một thằng đứng trên bảng, một thằng đứng cuối lớp rồi rống lên, alô alô, địch chạy về hướng bắc, hai tên, một cây súng, alô. Chỉ vậy thôi, không có bộ đàm nghe còn rõ hơn, vậy mà cứ tranh nhau giật. Giật qua giật lại một lát thì ăngten ra ăngten, pin ra pin, lò xo ra lò xo.
Còn thằng Thành thì hét lên, chết chình chinh, tụi bay đền dzô, tụi bay đền dzô. Cái thằng ngu, cứ nói chung chung tụi bay tụi bay, đứa nào cũng tin chắc là chẳng phải mình, khỏi cần lo. Thế là một chốc một lát tản đi hết, có thằng còn làm bộ mở sách ra học bài ra vẻ ta đây không liên quan. Chỉ còn thằng Thành mếu máo ôm đống vụn khóc hu hu.
Tối đó về viết thư nói ông già Noel ơi, con hết giận ông rồi, con thích cái máy bộ đàm ông ạ.
Không nói ai cũng biết, sau đêm Giáng sinh năm đó mình lại tiếp tục giận ông già Noel.
Giáng sinh,
Giáng sinh,
Giáng sinh...
Năm nay mười tám tuổi, Giáng sinh mơ cái laptop. Mơ ước khơi khơi vậy thôi chứ cái máy điện tử có hai lăm ngàn mà ông cũng chẳng thèm mua thì mong gì đến cái laptop mười mấy triệu bạc. Hơn nữa, mười tám tuổi là lớn rồi.
Thế nhưng đêm Giáng sinh này vẫn sẽ thức. Không phải để đợi mà là để nhớ. Nhớ về ông già Noel. Nhớ về những mùa Giáng sinh trước. Đã xa lắc xa lơ...



Bài thứ ba: TRƯƠNG CHI - thơ

Con thuyền trôi nổi trên dòng mơ
Tiếng lòng vơ vẩn theo gió thơ
Có chàng đánh cá si trăng mộng
Dệt vạn lung linh khúc đợi chờ…

Ngôi lầu cô tịch một bến trong
Dáng liễu du dương một tà hồng
Bồi hồi khoả mộng soi làn nguyệt
Thẫn thờ thương tiếng hát trên sông.

Trăng ơi còn nhớ chuyện ngày xưa?
Sông ơi còn chảy đến bao giờ?
Dòng buồn chan chứa bao dòng lệ
Đứt rồi oan nghiệt một dây tơ.

Khen ai nhào nặn kiếp Trương Chi
Mang giọng tài hoa để được gì?
Khéo vụng cũng mười hai bà mụ
Gió sóng nhuốm tàn mặt sầu bi.

Thơ thẩn bên lầu hình Mỵ Nương
Ru hồn chua chát ánh tà dương
Đời đau thấp thoáng men rượu đắng
Tan rồi giọt vỡ chén đàn hương...

Đó, tác phẩm đó, các bạn tha hồ bình luận, khen ngợi, chê bai, héng!
Vì dù mang tên Ban Sáng tác nhưng thật ra Ban chúng ta là Ban Sáng tác, Lý luận và Phê bình văn học.
 Quên một chuyện nho nhỏ nữa, đó là trân trọng giới thiệu hành trang của Nguyễn Trần Thiên Lộc khi đến với CLB Văn học: Một quyển truyện nhỏ, mang tên: Lắng nghe muông thú, dành cho thiếu nhi.

Bìa nè:

 
Sách do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2008, hiện đang có bán ở Nhà sách Hà Nội, 245 Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hồ Chí Minh. Giá bìa: 15.000 đ. Bỏ nhỏ: Nếu nhờ bạn Trần Phượng Linh đi mua giúp thì chỉ tốn có 12.000 đ thôi. He he.
Đọc xong câu chuyện trong quyển truyện nhỏ xinh đó, các bạn sẽ hiểu thêm về tiêu đề của bài viết này. :)

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Mở đầu

Năm đầu tiên CLB Văn học trở thành CLB Văn học & Nghệ thuật cũng là năm đầu tiên có sự xuất hiện của Ban Sáng tác. Trước hết, xin được giới thiệu sơ qua về Ban của chúng ta.

Ban Sáng tác trực thuộc CLB Văn học & Nghệ thuật là lực lượng chủ chốt của CLB trong việc sáng tác. Thành viên của Ban phải có cái Tôi nghệ thuật riêng, bài viết có chất lượng, sức viết tốt và nhiệt tình trong tất cả các hoạt động riêng của Ban, cũng như hoạt động chung của CLB. Thành viên Ban Sáng tác được đăng ký làm thành viên các Ban khác trong CLB. 
Trước mắt, danh sách thành viên Ban Sáng tác của CLB VH&NT là những thành viên CLB khóa 2007, 2008 (có điều kiện kèm theo), một số thành viên khóa 2009 (có điều kiện kèm theo) và những thành viên khóa 2010 đạt điểm xét tuyển vào CLB từ  A- trở lên. 
Trưởng ban có nhiệm vụ tổ chức những hoạt động riêng của ban, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, thay đổi thành viên, giới thiệu những địa chỉ để các bạn giới thiệu tác phẩm. Mỗi học kỳ, Trưởng ban sẽ căn cứ vào chất lượng bài viết và mức độ tham gia các hoạt động chung mà thay đổi thành viên, gạch tên và bổ sung thành viên mới. Thành viên của Ban Sáng tác bắt buộc phải là thành viên của CLB Văn học & Nghệ thuật. 
Theo yêu cầu, mỗi tháng, thành viên Ban Sáng tác phải có một tác phẩm mới, gửi về e-mail của Ban sangtac.clbvh@gmail.com  , Trưởng ban sẽ chọn lọc để gửi đăng lên web khoa, trên blog này (blog riêng của Ban) và một số báo khác (Lưu ý: Nếu tác phẩm mới đã được gửi đến một báo nào rồi thì phải ghi rõ ở dưới).
Danh sách Ban Sáng tác năm học 2010 – 2011:
1.      Trương Thị Mỹ Dung
2.      Nguyễn Thị Minh Trâm
3.      Chế Trần Diệu Ánh
4.      Phạm T Chiêu Anh
5. Phan Nguyễn Kiến Nam
6. Nguyễn Trần Thiên Lộc
7. Nguyễn Công Danh
8. Thái Viết Ngọc
9. Sity Maria Cotika
10. Bùi Tiến Phúc (x)
11. Trần Thị Tuyết Mai (x)
12. Trần Phượng Linh
13. Trần Hà Dung
14. Phạm Thị Nhật Oanh
15. Vũ Mai Linh (x)
16. Lê Thị Lệ Hằng (x)
17. Ngô Thị Khả Tú
18. Hồ Thị Thùy Trang (x)
19. Thiệu Thị Hạ Linh (x)
20. Nguyễn Đình Thịnh (x)
21. Nguyễn Phạm Mỹ Trang (x)
22. Trần Thị Mỹ Dung (x)
23. Nguyễn Thị Như Hiền (x)
24. Lê Trần Thùy Dương
25. Nguyễn Lê Bảo Khuyên (x)
26. Đặng Lộc Sâm (x)
27. Phan Tường Yên (x)
28. Thái Thị Hồng Sương
29. Lê Nguyễn Quỳnh Thi
30. Đặng Thụy Tuyết Nhung (x)
31. Nguyễn Thị Vân Lam
32. Phạm Thị Chi (x)
33. Vương Thị Dung (x)
Tất cả những bạn có tên trong danh sách này nhanh chóng gửi bút danh (nếu có), số điện thoại liên lạc (cố định), e-mail cá nhân, lớp, quê quán về e-mail của ban gấp nhé! Chúng ta cần có thông tin đầy đủ và chính xác trong chương trình Đánh thức Tầm Xuân ngày 03/01/2011 sắp tới (nếu có sai sót gì về họ tên cũng xin gửi đính chính về luôn, nếu không những thông tin sai lệch này sẽ ám bạn trong các chương trình của CLB mãi thôi :D). Sau đó, các bạn gửi 1 bức ảnh chân dung, một tác phẩm ưng ý nhất của mình và vài dòng giới thiệu về bản thân để Trưởng ban giới thiệu trên blog này cho mọi người cùng biết nhé!
Lưu ý nhỏ nè, những bạn có dấu (x) cạnh bên nếu không xuất hiện tại chương trình Đánh thức Tầm Xuân sắp tới thì sẽ bị gạch tên khỏi Ban Sáng tác. 
Blog này sẽ là blog chính thức của Ban Sáng tác, tại đây chúng ta giới thiệu tác phẩm mới, chia sẻ kinh nghiệm viết văn, những sở thích độc đáo, bình luận những câu chữ tâm đắc, đồng thời cập nhật những thông tin mới nhất về hoạt động của Ban cũng như của CLB.
Mong được sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình của các bạn.
Thân!

Trưởng ban
Nguyên Trang