Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Nắng vàng đi đâu

Nắng vàng ơi!
Có thể khe khẽ gọi những lúc giao mùa ba tiếng ấy, để đón chào, và cũng để nuối tiếc. Nắng đều cho bốn mùa, nhưng không phải mùa nào cũng mang sắc vàng cả. Nắng xuân hồng, nắng hạ đỏ, nắng đông trắng, nắng thu vàng. Ta gọi người có tấm lòng thơm thảo như gió thu và nụ cười sáng như ban mai ấy bằng tên gọi Nắng vàng...
Bạn có biết chưa? Chiêu có nghĩa là nắng đấy!
Chiêu có thể viết truyện ngắn, tản văn và cả thơ. Riêng thơ thì đã được đóng dấu đảm bảo chất lượng và chất thơ. He he.
Bằng giải Nhì cuộc thi thơ Tâm hồn Việt do CLB tổ chức năm 2009 với bài RU:
Ầu ơ mẹ hát ru buồn
Mặt ao động đậy con chuồn chuồn tương
Rau thơm rau quế mua hương
Bến sông chín đợi mười thương con đò
Cày bừa  đêm nghĩ ngày lo
Cấy gieo mong ngóng những trò nắng mưa 
Ngọt bùi  đắng khổ ngày xưa
Mẹ đem gom góp vào mùa ru con
Ầu ơ tiếng mẹ trên non
Cõng cực mà đổ cực còn theo sau
Con cười lúc mẹ đớn đau
Nhớ nơi cắt rốn chôn nhau mà về 
Mẹ ru gió hẹn trăng thề
Xa nhau nghìn dặm sơn khê cũng tìm
Ầu ơ còn một vóc duyên
Người đưa kẻ đón răng huyền tóc mây
Hết duyên chẳng nợ, riêng ai
Về trưa  đi sớm hôm mai một mình 
Lời ru mang nặng ân tình
Nuôi hồn con lớn nuôi hình con khôn
Gửi con mảnh phận long đong
Dành con một chút má hồng ngày sau.
Để thời con gái, hương cau
Ướp trong một nắm lá trầu làm duyên. 
Con đi màu tóc thanh thiên
Mẹ ngồi chải tóc hoa niên cùng chiều
Con về  vẫn gió liêu xiêu
Bờ tre, bụi chuối, tiếng kêu chim trời
Mẹ ru con giữ từng lời
Nay tung vào gió, mây trời thênh thang. 
Chiêu tại lễ trao giải Tâm hồn Việt.
Ngay sau đó, cô nàng đã bưng về cho CLB một giải Ba thơ Bút Mới của báo Áo Trắng, với một bài thơ rất giản dị: CHO NGÀY MAI

Giật mình
Vừa qua giấc chiêm bao dang dở
Đêm lặng thinh
Nghe tiếng mẹ thở, thấy yên bình.
Trở mình ngó ra song cửa
Chiếc lá nghiêng hứng trăng
Gió khẽ cựa,
Trăng đong đưa
Thoảng từ đồng mùi lúa non ngậm sữa
Mang mồ hôi cha thấm đất mặn nồng
Mang dáng mẹ lưng cong cấy hàng mạ thẳng
Cùng tháng năm nắng mưa nuôi nấng.

Con chim đớp muỗi chao qua
Ngọn đèn dầu liu hiu nghiêng ngả
Rồi vụt tắt.
Đêm im bặt đến nghẹt thở.
Trở dậy  khêu đèn
Như khêu lại một thuở bỏ quên
Một quầng sáng ấm đêm giữa rẫy,
Soi bữa cơm chái bếp quây quần
Đôi tay mẹ bó từng lọn muống
Soi chị em mấy tiếng ê a,
Quầng sáng đâu chỉ của hôm qua
Ngắm khuôn mặt cha biết mình chưa xứng đáng.

Lên Sài Gòn.
Gói theo cọng rau dền rau sam,
Gói màu vàng bông tràm,
Chất phèn giếng nước,
Tiếng gà trưa hè trước,
Gói cả con cạp nia trên mái nứa tranh.
Định để dành
Nhưng bỏ quên dưới đáy va li
Chiều nay bị cơn mưa lục lại.
Hai mươi tuổi,
Tôi thấy tôi bé dại.
Bây giờ chúng ta cùng chiêm nghiệm thêm góc tản văn của Chiêu nhé! CÀ PHÊ SỮA
Chà, mưa rồi. Hai mươi mốt tuổi. Trải qua bao nhiêu mùa mưa và càng không biết bao nhiêu cơn mưa, kể từ khi biết dạ thưa, biết ăn cơm phải sạch cái chén và biết chạy vào nhà đong một lon gạo cho ông cà thọt đi xin. Vậy mà mỗi lần mưa lại “tự nhiên” thấy buồn. Nỗi buồn có khi nhẹ nhàng mưa bụi, có khi lại đáng sợ như đêm mưa giông gió. Có cái gì nhớ nhớ, quên quên lãng đãng trong tâm thức. Nghe như thịt da se lại. Và khó thở.
Tạt vào một quán Cà phê trú mưa. Tôi luôn gọi Cà phê sữa. Không hẳn vì ghiền, còn một điều đơn giản nữa, là để thỏa mãn cái sở thích ngắm những giọt cà phê rơi và cái cảm giác chờ đợi.
Mỉm cười và nói lời cảm ơn anh chàng phục vụ.
Giọt cà phê lơ đãng chần chừ một chút rồi buông mình xuống. Chạm vào sữa, tạo thành một chấm đen giữa nền sữa trắng ngà. Rồi giọt thứ hai,…giọt thứ ba,…
Tôi thả lưng trên chiếc ghế tre, đắm mình theo những khúc nhạc trầm bổng đê mê. “ Chỉ có một thời để yêu và để thương. Chỉ có một thời, để giận hay dỗi hờn…”
Nhắm mắt và bỏ mặc tất cả. Nhiều hình ảnh chạy qua như lướt một thước phim, rồi chúng nhảy múa trong trí óc tôi. Những ruộng mía thân tím mướt thẳng tấp mang cái ngọt ngào của mật nắng. Cha chở tôi và thằng em trên chiếc xe thồ nặng trịch, qua những cái hố cái mương của con đường rẫy gập ghềnh ra trường học ngoài xóm. Hàng dừa nghiêng chải tóc mây xanh và lao xao những đêm trăng trai gái hò hẹn. Mẹ lom khom đánh hàng, móc đất dặm dây khoai lang trong lất phất mưa với cái nón thâm màu và tấm ni lông che thân tạm bợ. Tôi và lũ bạn dưới cái nắng cháy da, lặn lội mười hai cây số đạp xe từ trường về nhà, ống quần áo dài bị sên xe nhớt ăn đen, đói rã ruột mà vẫn rộn tiếng cười nói. Tấm giấy báo trúng tuyển đại học với những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi...
Rồi những hình ảnh ấy nhạt nhòe dần. Quá khứ và hiện tại tranh giành giằng xéo. Rách toạt. Vương vãi. Rồi lại vẹn nguyên…
Cơn gió thổi qua cái thấm lạnh của thịt da. Giật mình. Mưa tạnh rồi mình còn đi rong.
“Song from a secret garden”...Thấy mình bay qua cánh đồng… Cánh diều giấy tôi và thằng em thả trên gò chiều xanh cỏ. Những thân lúa đỏ ngầu vì ngập lũ. Một cánh cò níu vạt nắng ở lại với ngày…
Thấy mình bay qua những phố phường…Xe hủ tíu gõ khói thơm bốc lên từ nồi nước lèo vừa đẩy ra phố từ một con hẻm nhỏ. Những dòng xe dòng người hối hả khẩu trang và mũ bảo hiểm. Nhát chổi lẹt xẹt của người lao công quét cái buồn đêm lạnh…
Thấy mình từ từ rơi, rơi, rồi đáp xuống, nằm bên một con đường mùa thu đầy lá, người ta đi qua, người ta đi lại…
Một tin nhắn đến đưa mình về với hiện tại. “Buổi chiều bình yên, bạn của tôi!”
Bình yên?
Cà phê và sữa tạo thành hai lớp màu đen trắng. Cuộc đời này không có gì là rạch ròi cả. Chẳng đắng cay riêng ai mà cũng chẳng cho ai mãi phần ngọt ngào. Vừa dùng thìa khuấy đều tôi vừa nghĩ như thế. Mùi thơm dậy lên ngây ngất. Bây giờ thì sữa và cà phê quyện vào nhau trong một màu nâu rất đỗi mặn mà và quyến rũ. Cuộc đời là một ly cà phê sữa. Đen và trắng. Ngọt và đắng. Hạnh phúc và khổ đau. Tốt và xấu. Yêu và ghét. Nỗ lực và tuyệt vọng…
Kìa, lại nắng rồi. Đúng là “Sài Gòn mưa trưa nắng sớm…”. Những tia nắng sau mưa, những tia nắng cuối ngày như vàng hơn, chiếu xuyên qua giọt mưa đung đưa còn đọng lại nơi ngọn lá.

Đã qua mùa thi, và chúng ta lại náo nức đón một cái Tết ấm cúng với gia đình. Gửi đến các bạn chút nắng từ Chiêu để Tết này càng thêm ấm cúng nhé!
Thân mến, và mừng mọi người cùng sang tuổi mới! :)
À có ai tự hỏi, không biết nắng vàng đi đâu không? Trả lời rằng Tết này nắng vàng đi Xuân tình nguyện đấy! :)

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Con người Mới

Nhằm tạo sân chơi cho các bạn sinh viên đam mê văn chương và duy trì các cuộc thi văn thơ định kỳ hằng năm, BCN CLB Văn học & Nghệ thuật tổ chức cuộc thi văn Con người Mới năm 2011.
Thể lệ:
1. Tên cuộc thi: Con người Mới.
2. Chủ đề: Tự do. Khuyến khích các ý tưởng mới, sáng tạo và độc đáo, đậm tính nhân văn.
3. Thể loại: Truyện ngắn và tản văn.
Truyện ngắn: Không quá 3000 chữ.
Tản văn: Không quá 2000 chữ.
4. Điều kiện tham gia: 
+ Sinh viên trường ĐHKHXH&NV.
+ Mỗi tác giả dự thi không quá 3 tác phẩm cho mỗi thể loại.
+ Tác phẩm tham gia phải là sáng tác mới, chưa được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (sách, báo in, báo điện tử… )
- Tác phẩm tham gia phải được đánh máy có dấu. Phía dưới đề rõ bút danh (nếu có), họ tên thật, ngày sinh, đơn vị (khoa, lớp), MSSV, điện thoại liên lạc, email.
- Không nhận tác phẩm phóng tác.
- Bài dự thi xin gửi về địa chỉ email CLB Văn học, (yêu cầu ghi rõ Bài dự thi Con người Mới):
                                   clbvanhoc.xhnv@gmail.com

5.Ban Giám khảo:
*Vòng Sơ khảo:
- Cô Lê Ngọc Phương, giảng viên khoa Văn học & Ngôn ngữ, Cố vấn CLB.
- Anh Nguyễn Trần Thiên Lộc, chủ nhiệm CLB.
*Vòng Chung khảo:
- Thầy Phan Nhật Chiêu, giảng viên khoa Văn học & Ngôn ngữ.
- Cô Lê Ngọc Phương, giảng viên khoa Văn học & Ngôn ngữ.
6. Ban Tổ chức: 
Ban Sáng tác - CLB Văn học & Nghệ thuật.
7. Thời gian:
- Nhận bài dự thi từ ngày ra thông báo này cho đến hết ngày 28/02/2011.
- Công bố kết quả vào đầu tháng 3/2011, trên facebook, blog của CLB và gửi e-mail về từng thí sinh.
- Dự kiến:
+ Tổ chức nói chuyện chuyên đề về lĩnh vực sáng tác văn chương, giao lưu với Ban Giám khảo và các tác giả có tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo cuộc thi: 05/3/2011.
+ Tổ chức lễ trao giải: 06/3/2011.
8. Cơ cấu giải thưởng:

- Tản văn:
+ 1 giải nhất: giấy khen của BCN khoa VH&NN và tiền thưởng.
+ 1 giải nhì: giấy khen của BCN khoa VH&NN và tiền thưởng.
+ 1 giải ba: giấy khen của BCN khoa VH&NN và tiền thưởng.
+ 2 giải khuyến khích: giấy khen của BCN khoa VH&NN và quà lưu niệm của CLB.
- Truyện ngắn:
+ 1 giải nhất: giấy khen của BCN khoa VH&NN và tiền thưởng.
+ 1 giải nhì: giấy khen của BCN khoa VH&NN và tiền thưởng.
+ 1 giải ba: giấy khen của BCN khoa VH&NN và tiền thưởng.
+ 2 giải khuyến khích: giấy khen của BCN khoa VH&NN và quà lưu niệm của CLB.

Rất mong nhận được sự tham gia nhiệt tình của tất cả các bạn sinh viên!
Trân trọng!

Đánh thức Tầm Xuân

Bây giờ đang mùa thi, chưa có thời gian nghiên cứu vụ đưa nhạc vào blog, nên bài tường thuật chương trình thơ - nhạc Đánh thức Tầm Xuân ngày 03/01/2011 tại quán Karaoke SV&GĐ của CLB chỉ đưa link các bài hát và giới thiệu các bài viết, các bạn chịu khó ráp hai phần nghe - đọc này vào với nhau nhé! Hi hi.

Đánh thức Tầm Xuân

ĐÁNH THỨC TẦM XUÂN
- Nguyên Trang -

Cốc cốc cốc
Thế là, một mùa xuân nữa lại về. Gió run rẩy gõ vào cây lá, những thanh âm gấp gáp mà dịu dàng. Sóng vỗ vào bờ cát những lời thì thầm mê đắm. Và tim người, rạo rực gõ vào cánh cửa tình yêu.
Em, đóa hoa còn ngủ yên trong hoang dại, trong thuần khiết, đợi những giọt sương được nắng gọi bay lên, đợi nốt nhạc yên bình gõ vào bờ mi say, để khẽ cựa mình.
Em, đóa hoa bình dị bên vệ cỏ, ngơ ngẩn giữa cuộc sống trần thế, đợi chờ những chùm sáng thanh cao hơn, rực rỡ hơn, ngọt ngào hơn ánh nắng của mỗi ngày, để mở cánh đón lấy.
Tầm Xuân có nụ, nở ra nuối tiếc hay nhớ thương ? Mà e ấp giấu trong lòng những sắc hương nồng ấm. Khe khẽ đánh thức em, đánh thức Tình yêu... Phút giây hừng hực mà sâu lắng. Chạm tay vào, bằng cả tấm lòng nâng niu, gọi, « thức dậy đi », cuộc sống bỗng bừng lên muôn sắc màu.
Em, hay Tầm Xuân, hay Tình yêu đó ?
Chợt nhớ đến nàng công chúa ngủ suốt một trăm năm trong rừng, để đợi chờ Tình yêu đến thức dậy. Rừng già gom góp bao nhiêu là tinh túy, phủ kín giấc ngủ ban sơ. Thế rồi, một nụ hôn đã làm quang đãng đất trời, xóa tan khoảng cách thời gian.
Ta, lại nhớ đến một miền đất đã cất rất sâu trong lòng mình. Ở nơi đó có hoa cúc xanh của Xuân Quỳnh, tạm gọi là Thung lũng Xanh. Nơi đó chỉ toàn là màu xanh, cây cỏ, hoa lá đều ánh một màu xanh tươi mới. Bỗng một ngày thần Gió bay ngang, đánh rơi một hạt giống lạ. Nó mọc lên một thân cây nhỏ nhắn, yếu ớt. Sau rồi, nở ra một đóa hoa màu đỏ tươi. Cư dân Thung lũng Xanh đã hắt hủi cây hoa tội nghiệp. Sự tự ti, lo sợ, chán ghét môi trường sống đã-không-còn-thanh-bình-nữa hóa thành những cái gai sắc nhọn, bao quanh thân cây hoa. Rồi một ngày, thần Gió ghé qua, báo tin Hoàng tử sắp đến. Chàng sẽ chọn một loài hoa làm lễ vật cho người yêu. Ai nấy háo hức, chỉ có cây hoa lạc loài là tủi phận. Những cái gai mỗi ngày một sắc nhọn thêm. Rồi Hoàng tử cũng đến, chàng chọn cây hoa màu đỏ, trước sự ngỡ ngàng của cả Thung lũng. Những cái gai đâm vào tay làm chàng chảy máu, những giọt máu thắm đã nhuộm đỏ tất cả hoa của Thung lũng Xanh. Những cái gai đã làm tăng thêm giá trị của đóa hoa kia, và tình yêu đã xóa đi sự yên bình mà tẻ nhạt của cả một vùng đất.
Tình yêu cuốn người ta vào cơn bão, một cơn bão dịu dàng nhưng quay cuồng. Gõ cửa cơn bão, đánh thức Tình yêu ? Trời bỗng xanh, và, vạn vật, nhìn kìa :
Mây trắng quên bay về trời/Chim hót quên không ngừng lời
Cơn gió quên không ngừng thổi/Đêm tối quên không trở lại
Ta ước mình cũng được thốt lên say sưa, mê đắm dâng tràn như thế. Những cái « quên », ngơ ngẩn trước sự thức dậy của Tình yêu đã làm cho cuộc đời thêm rộn rã, rộn rã những thanh âm náo nức của thiên nhiên, rộn rã nhịp tim rộn ràng, hạnh phúc.
Con đường tình, rồi sẽ nhiều trắc trở. Nhưng giữ lại cho người, cho đời những phút giây tuyệt vời là thế !
Cùng sẻ chia về những khoảnh khắc tuyệt vời nhất, về mùa xuân, về tình yêu, về cuộc sống, về những hương thầm, với cảm giác của một người đang « Đánh thức Tầm Xuân », các bạn nhé !

CẢM NHẬN “LẮNG NGHE MÙA XUÂN VỀ”– SÁNG TÁC: DƯƠNG THỤ
- Chiêu -
“Giọt   mưa  nào  rơi  thật  êm  trên  phố  phường.  Mùi  hương  nào  thơm  thật  thơm trong  gió  thoảng…”. Khúc nhạc dắt mùa xuân về thật khẽ khàng như một lời thầm thì, thật nhịp nhàng như tiếng gõ nhịp ngón tay lên mặt bàn café sáng nay.
Giọt mưa nào, mùi hương nào? Đó là giọt mưa xuân tắm gội phố phường gột đi những bụi bặm của năm cũ, để rồi sau mưa cảnh vật như bừng sáng lên một sức sống mới. Đó là mùi hương xuân theo gió bay về ướp vào từng nếp áo mới của các cô thiếu nữ, hòa vào từng tiếng cười giòn tan của lũ trẻ con.
Phải lắng nghe lời mưa tự sự mới biết nỗi trầm luân và niềm hạnh phúc được làm mưa. Phải lắng nghe nỗi lòng của đêm mới biết những trăn trở khát khao ủ mầm cho nắng. “Và em đợi anh đợi anh như đã hẹn. Nghe trong mưa đêm mùa xuân lặng lẽ sang”. Em đợi anh trong hơi xuân ấm, em đợi anh trong mưa xuân xanh. Đừng lỗi hẹn nhé anh! Vì xuân gần lắm.
Này, “Phải chăng mầm non mùa xuân đang hé nở. Phải chăng nụ hoa mùa xuân đang hé nở…”. Cỏ cây hoa lá cũng dậy lên nguồn nhựa mới khi nàng xuân khẽ lướt qua mang làn mưa xuân trong trẻo tươi mát. Mầm non chúm chím sau những trăn trở tách lớp vỏ cây già nua, chào đời bằng nụ cười màu xanh ngọc, nô đùa với giọt sương mai. Nụ hoa e thẹn khẽ hé đôi môi làm duyên với nắng mới, chờ giờ khắc bung tỏa những cánh nhung thơm ngát.
“Phải  chăng  ngày  xuân  đầu  tiên  đang  gõ  cửa.  Khi  em  trông  anh  ung  dung  bên thềm  nhà…”.  Và anh tới mang ngày xuân đầu tiên gõ cửa. Ngồi cùng anh bên thềm nhà nghe tình yêu về trong mưa xuân phơi phới. Nghe từng hơi thở ấm áp, nghe cái nắm tay bình yên, nghe chiếc hôn thơm như đóa xuân nồng.
Cảnh vật cũng hòa cùng tình yêu đôi lứa. Én bay về rộn rã chao múa trên bầu trời. Và trong những vòm cây xanh ngát cũng ríu rít tiếng chim. Hoa đào ửng hồng những đóa đầu tiên, rung rinh trong gió sớm. Tất cả như diện cho mình bộ xiêm y mới, rũ bỏ chiếc áo của mùa đông cũ kỹ, rũ bỏ bóng đêm để đón chào bình minh nắng ấm. Cây cỏ- chim muông- con người cùng một vũ điệu mùa xuân trong khúc nhạc xuân rộn ràng và du dương.
“Kìa ! Tiếng chim rộn hót xa vời. Cánh hoa đào bỗng như cười. Báo tin mùa xuân về. Kìa  bóng  đêm  mùa  cũ   đâu  rồi,  với  em  chỉ  thấy  xanh  ngời  lá  hoa  của  xuân tươi.
Xuân gieo mầm yêu vào đôi tim trẻ. Đôi tim trẻ nuôi nấng mầm yêu bằng sôi nổi và chân thành. Để những mùa sau vẫn là xuân bất diệt.
“Và chúng ta lại đón giao thừa. Phút giây lặng lẽ mong chờ. Lắng nghe mùa xuân về. Để biết ta còn mãi trong đời, phút mong chờ ấy tuyệt vời, chứa chan niềm tin yêu. Kìa anh tới…”
Đứng giữa cái thời khắc thiêng liêng ấy mới thấy niềm tin yêu tràn ngập trong trái tim. Đứng giữa cái thời khắc thiêng liêng ấy mới biết ta đang sống trong cuộc đời tươi đẹp và gian khó này.
“Mùa xuân về…”
Hãy xếp lại những bộn bề lo toan, hãy mang cất đi những muộn phiền đau khổ, chỉ giữ lại những niềm vui, những kỷ niệm đẹp đẽ mà ôm vào mùa xuân mới.

BỞI AI MÔI KẾT ĐÌU HIU XUÂN THÌ,…
- Nguyễn Công Danh -

Ven đường cỏ úa rạp theo,
Kìa đôi đáy mắt buồn thêu chín tầng.
Lách lau khuất dáng bao lần,
Nay trông ý cũ bấy ngần rong rêu.
Bởi chiều nên nắng bạt xiêu,
Bởi ai môi kết đìu hiu xuân thì,…

CẢM NHẬN NHẠC PHẠM DUY
- Phan Nguyễn Kiến Nam -
Nhạc Trịnh Công Sơn sâu sắc trong một miền triết lý thâm trầm, tự vấn về cái tôi hiện hữu và hiện hữu của cái tôi. Trịnh suy nghĩ thật nhiều về con người và nghe Trịnh, ta cũng đau đáu với những suy nghĩ mà bản than không tài nào giải quyết được …
Nhạc của Phạm Duy, lại khác, không chỉ bao hàm trong đó tính triết lý về những vấn đề tồn tại của đời sống con người, mà có luôn cả những thanh âm hồn nhiên, trong sang, vui tươi, đau buồn… Ngỡ như, nhạc của Phạm Duy là một lăng kính vạn hoa; mà anh ở điểm nhìn nào đó sẽ thấy một khía cạnh đẹp và tôi ở một điểm nhìn khác sẽ thấy một khía cạnh lung linh…. Bất kì ai cũng có thể nghe được nhạc của Phạm Duy, một bà mẹ quê, một em bé quê, một đôi vợ chồng quê, một thiếu nữ đang bước vào tuổi ngọc, tuổi thần tiên, một câu chuyện tình dang dở trong vòm trời đại học, một mối tình già trong tiếng cầm mênh mông…
Vậy đó, nhưng không có nghĩa nhạc Phạm Duy là dễ dãi, dễ nghe, dù là cho mọi người, mọi giới, dù biến hóa khôn lường trong ca từ, nhưng tựu trung, ca từ của nhạc Phạm Duy đều đẹp như một bức tranh. Có lúc, đó là cái đẹp vô ngôn trong chốn thiền môn; có khi lại là cái đẹp trinh nguyên như một sáng xuân, và có lúc buồn tênh như hạt mưa vỡ trên tượng đá.
Thế mới hiểu, dù trong những ca từ đơn giản nhất, nghệ sĩ vẫn làm tròn sứ mệnh mà mình đã trót mang, sứ mệnh của nghệ thuật.
Không muốn đơn thuần cảm nhận riêng lẻ một bài hát nào đó của Phạm Duy, vì bởi lẽ, tôi đã trót yêu những ca từ vô củng vi diệu trong nhạc ông.
Bởi thế,…
Sẽ là một ngày mưa không lớn, không nhỏ, đủ để vừa ướt áo ai đó, mà ta ngậm ngùi ca Đưa em về dưới mưa/ Nói năng chi cũng thừa/ Phất phơ đời sương gió/ Hồn mình gần nhau chưa. Lạ thật, đôi khi hạt mưa, một kiếp sống ngắn ngủi trong quãng hành trình từ trời đến đất mà hạnh phúc thánh thót bên nhau, mà hạnh phúc kết nối đất trời. Còn riêng anh, còn riêng em, gần nhau thế, bên nhau đó, lại vời vợi xa xôi…
Sẽ là một ngày xuân, theo bước chân ai viếng chốn thiền môn thanh tịnh, ngây ngất cùng Đầu mùa xuân cùng em đi lễ/ Lễ chùa này vườn nắng tung bay/ và ngàn lau vạn màu khép nép/ Bãi song bay một con bướm đẹp. Và theo đó cũng để nhận ra một điều, tại vì ta là người/ giữa đất trời chuyển động/ Dương gian là trần mộng/ Tiếng vọng thấy phù du cho nên uyển chuyển theo bốn mùa, mà buông bỏ tất cả Mộ của em mộ vừa mới đắp/ Có con chim đậu dưới gác chuông
Sẽ là một sang tinh khôi, đứng trông ra một khung trời đại học lồng lộng, mà hiểu rằng, sẽ có lúc phải Trả lại em yêu/ Khung trời Đại học để lăn nhẹ gót vào với đời sống vô vàn….
Sẽ là một đêm nằm mơ, mơ thấy ta là Từ Thức Thôi thì thôi/ mặc kệ mây trôi/ Ôm trăng đánh giấc/ Bên đồi dạ lan. Chốn Thiên Thai và Chốn Cô Đơn. Là 1. Là 2. Mà thôi, cô đơn và thiên thai, thiên thai và cô đơn Sẽ là, ừ sẽ là một mong muốn be bé, trở lại tuổi thần tiên. Để, có lẽ là để nép trong tay mẹ hiền/ để nhìn đời như viên kẹo ngọt mà ngậm hoài chẳng tan. Để giật mình trong tiếng ca vang vọng- Gạo trắng trăng thanh
Và thôi, chỉ xin sẽ là…
Một cành hoa/ Ép vào cuối vở/ Thương ôi vạn thưở….

ÔNG SAO, NGỦ NGOAN
                                                          - Trần Hà Dung -

Ngày trước, có người từng hỏi bầu trời có mấy ông sao. Ngước mặt lên một lượt rồi trả lời một con số lạ, không quen, để chụm cười khúc khích. Người bảo có những ông sao liền nhau là những ông sao bạn, những ông sao có thứ ánh sáng xanh như nháy mắt cười nhau, rồi cũng có những ông sao lẻ, yếu ớt đứng một mình, ấy là những ông sao cô đơn. Nhiều ông sao khác nữa, cả rừng sao bạn bè, sao mẹ sao cha, người bảo đố tìm được cặp sao tình nhân. Tìm đi rồi sẽ biết, người đi để lại một câu đố cho những giấc mơ trăn trở cả sau này.
Cả thế kỷ rồi, lần nào cũng nhìn lên bầu trời căng mắt tìm cặp sao tình nhân. Hằng trăm đốm sao cứ nháy mắt như trêu ngươi, nghe còn cả tiếng cười của người còn trẻ lắm. Trong veo và ngọt. Rồi như là đã lâu lắm ko còn gặp, tiếng cười của người cũng xa như mùa thu không còn vương giọt trên cành vắng. Cả những gì là kỷ niệm của mùa sao giờ cũng chỉ tan theo những mùa khác. Mùa sao giờ cũng hoang vắng mất rồi. Nghe những giai điệu ngày xưa cũng xa như tuổi xa. Chỉ ông sao là chẳng khác, vẫn khuôn mặt ấy, vẫn là những gì người đã gieo vào lòng tuổi nhỏ. Giờ lớn rồi, ông sao không chỉ biết cười thôi, ông sao còn biết khóc, hằng hà sa số những ông sao kia ông sao nào về đêm cũng thắp lên trong lòng một điều bí mật. Có những bí mật là quá vãng về một mùa hè khô và nóng. Người chẳng đã hứa là mùa thu sắp về hay sao?
Một ngày lạ, tim cảm được sự giao thoa như giữa hai mùa thu và hạ. Nhớ lời hẹn về cặp sao tình nhân vẫn còn dang dở mà thấy mình trơ trọi làm sao. Quên mất khuôn mặt của người rồi, quên cả những cái nháy mắt hồn nhiên ngày nhỏ. Giấc mơ được nằm trên thảm sao nữa, giờ người cũng giống những ông sao, về đêm cũng gieo một điều bí mật.
Tìm hết rồi, đã thấy lòng mệt, tim cũng không còn đủ sức mới ngộ ra một điều mình còn nặng nợ quá. Đã bao lâu rồi, chắc Người cũng quên, vậy mà mang chi cho thêm mệt. Ông sao chẳng còn nhớ kẻ hay ngồi đếm mình đâu. Bao nhiêu thời gian đã qua, ông sao vẫn cứ vậy, cứ cái màu xanh trong trẻo và hồn nhiên như những ngày đầu của vũ trụ, ông sao ở đó đã rất lâu rồi, ông sao cũng đã nhàm mặt những kẻ ngồi tơ tưởng tình yêu mà tìm kiếm cặp sao tình nhân. Ngộ ra rằng hằng hà sa số những ông sao kia chưa bao giờ là của mình cả, Người đã đánh lừa bằng những mộng mị ngây ngô. Sau bao nhiêu cuộc tìm kiếm, sau bấy nhiêu đợi chờ cuối cùng cũng không bao giờ đến đích, cuối cùng mới nhận ra chừng đó thời gian chỉ đủ luẩn quẩn quanh đây, dưới vòm trời sao kỷ niệm. Ông sao không biết già, còn mình giờ đã lớn đã đến cái lúc những suy nghĩ ngây ngô tan đi. Những người bạn sau này cũng như ông sao, thức trọn đêm với mình nhưng không ai có thể cùng hiểu mình như khi ngồi dưới bầu trời ấy. Hiểu ý Người rồi, ai cũng có một ông sao cho riêng mình, Người có cùng cặp sao tình nhân, sẽ tìm thấy thôi. Cả hằng hà sa số nhưng bình yên vẫn là ngôi sao ấy, ngôi sao của riêng mình, Người bảo mình đi tìm là vậy.
Người biết mình sẽ kiên trì.
Rồi mùa thu cũng đã sang gieo chút heo may vào cành vắng. Những ông sao trốn bặt, không còn cái hương trong trẻo mỗi buổi tối mùa hè cùng Người đếm sao. Nhưng cũng không cô đơn nữa vì đã có Người làm ông sao cho riêng mình.
Những ông sao tuổi nhỏ là những ông sao không biết già
Ông sao ơi, ngủ ngoan nhé! Mùa đã sang rồi...

NHỮNG XIÊM ÁO CỦA TRỜI
- Trần Phượng Linh -
Xuân đang lãng đãng qua cửa với những bước nhẹ êm. Và hình như người đã bắt đầu gieo những hạt hoa nhỏ đợi nảy lên những mầm trường xuân tinh khôi và da diết.
Này em, này tuổi trẻ, có thấy màu thủy tinh rất trong của nắng. Mắt em hiền như đám cỏ ngày xanh. Sửa soạn khâu áo mới cho mùa, hãy gội lòng cho nguyên lành và lựa những đường chỉ đẹp em nhé. Có thể áo sẽ nhàu và những đường may còn dang dở, nhưng duyên em với xuân vẫn đong đầy. Bởi chính em đã là tháng giêng rồi còn đâu.
Đốt chút lá khô đông cũ mà thắp lên đốm lửa hồng, vườn em đang trở mình thức dậy, mơ màng thay xiêm y. Có lẽ ở giữa cái chòng chành của không trung, em đã thấy những vạt pha lê bay bay vẽ nên những khúc xạ đẹp. Em sẽ suy tư về màu sắc và bóng hình của chúng, sẽ u sầu về những xiêm áo cũ đã bạc sờn, sẽ hoài vọng về những đường nét lộng lẫy của những gì chưa đến.
Em sẽ ôm ấp nỗi chiêm bao về bản thể, về những làn xiêm áo của trời đã tặng em mỗi mùa trôi qua.
Một sớm em về tóc xanh
Mây trắng thương em níu vai
Một sớm em ngồi đây nói cười
Mùa xuân bay ngang ghé thăm1
Em biết không, rồi những cột mốc thời gian em trân trọng đặt lên, cũng sẽ chìm trong hồi ức của muôn thuở, của nghìn trùng cách xa không nhung nhớ. Hãy khoác những xiêm áo của mùa thật vừa vặn và hồn nhiên em nhé. Dù vạt sẽ nhàu và chỉ sẽ buông, những sắc màu kia, những hình bóng kia mãi là vĩnh cửu. Vì em biết không, những cánh gió của trời, thực ra, chỉ có một màu trong suốt của vô thường. Như thế nó mới có thể lướt qua những động vọng của thời gian để di dưỡng hồn em tươi xanh mãi.
Hãy cất kĩ những vạt áo xưa trong cõi nhớ, để em luôn biết mình đã đi qua những di chấn, hay niềm an nhiên nào, mà sự vô thường của cuộc sống, một ngày nào đó sẽ đem chúng ra đi. Rồi em sẽ thấy, qua mỗi mùa đông lại đến mùa xuân, qua mỗi tuyệt vọng là niềm cứu rỗi.
Sự bình yên của em mất đi lại được tái sinh tròn đầy.
Thôi nghe em tóc kia còn xanh
Thì xin cứ an lành.[1]


[1] Quốc Bảo – Em về tóc xanh

MEN XUÂN VẠN KỶ
                                                 - Đặng Lộc Sâm -
Men xuân đến bao trùm lên nội cỏ
Cánh đồng sương nhẹ đổ giữa vòm trời,
Băng tuyết giòn cũng tan chảy về xuôi
Trả nắng ấm cho xuân tươi thế kỷ.
Không khí nở giữa lòng ta muôn ý
Trăm hoa xinh cũng chưa phỉ tâm hồn,
Ai thêu thùa con đường nắng thênh thang
Để ánh sáng trung hoà lòng trai trẻ.
Mỗi sớm hồng mang về điều mới mẻ
Lá thư duyên tôi phác vẽ lâu ngày
Mong ước tìm nơi ấy một vòng tay
Cùng đồng vọng chung xây lều tranh ấm
Mơ ước ấy có gì to tát lắm ?
Bởi sóng lòng rối rắm tự ngàn xưa
Se lạnh lần lất phất những cơn mưa,
Và chim én giao mùa đã vội đến.
Tình xuân đến. Tôi trồng cây nêu Tết,
Cánh mai vàng nhú chồi biếc đầu tiên
Trẻ nô đùa ngoài sân nhỏ huyên thuyên
Lửa nấu bánh cứ luân phiên cháy đỏ.
Lắng tai nghe tiếng sương chiều đã vỡ
Rụng xuống đường hoa nở những niềm vui,
Gió đem xuân ra trải khắp chân trời
Tự đâu đó xuân mỉm cười lóng lánh.
Và tình yêu tự bao giờ chấp cánh
Thôi thúc đời bằng ánh lửa con tim
Và mùa xuân đong đầy hơi dịu ngọt
Lưới tình buông men xuân lọt qua thềm.

BƯỚC QUA NĂM MỚI
                                                          - Đặng Lộc Sâm-

Tan rồi gió bấc mưa đông
Trăm luồng nắng ấm trời hồng buông tơ
Cành non lá mới lơ thơ
Chị may áo đẹp em mơ pháo mừng.
Ý xuân nhợt nhạt mưa phùn
Đường quê cỏ quánh lớp bùn tươi non
Đồng chiêm phủ mạ xanh rờn
Nhà xây, cầu sửa mùi sơn còn nồng.
Đàn trâu chăm kỉ béo tròn
Phù sa xanh mượt ngô non đầu mùa,
Mẹ về hái cải làm dưa
Thịt kho với trứng nước dừa thơm sao,
Khói lò dạt tới trời cao
Vàng tươi mái rạ nôn nao xuân về.
Giã từ năm cũ ê chề
Qua bao cay đắng thảm thê đổi dời
Bánh chưng bà gói xong rồi
Cháu ngồi trông lửa, nước sôi bánh mềm.
Giao thừa pháo nổ trong đêm
Như là muôn ánh sao đèn kết giăng
Bước qua năm mới bao lần
Mà nay lòng vẫn lâng lâng lạ thường.

THÁP TRẮNG
                                                 - Nguyễn Trần Thiên Lộc -
Có lão sư cụ/Phải lòng mụ câm
Hai đứa ăn nằm/Sanh thằng trọc nhỏ
Ngày bắt gõ mõ/Nam mô nam mô
Đợi khi đêm về/Cho gặm thịt chó…
Sau mấy trận mưa đầu mùa, cỏ non lên xanh um đồi Long Bích. Nơi đây nghiễm nhiên trở thành thiên đường của lũ mục đồng. Sáng sáng dắt trâu ra thả dưới chân đồi rồi thỏa sức bày trò nghịch ngợm cả ngày. Chiều dong trâu về, bụng con nào con nấy no căng cỏ. Cả người lẫn trâu đều phởn phơ nhàn tản vô cùng.
Chiều nay về ngang chùa Thập Tháp, cả lũ tự nhiên hè nhau gân cổ rống to bài vè đó, rồi cười ré lên, quất trâu bỏ chạy.
Thầy Liễu Triệt ngồi bên bàn nước đặt trước hiên. Sợi khói bốc lên từ chén trà vừa rót cứ dài mãi, dài mãi ra, ngui ngút trong cái bầu không se se lành lạnh, lãng đãng một chút rồi tan vào bóng chiều nhập nhoạng.
Ánh mắt sư thầy hướng về phía tấm bình phong bằng đá đặt ở phía cổng. Đằng sau đó là con đường đất loang lổ những vũng nước mưa, con đường vừa rộn lên những tiếng cười của lũ trẻ trâu. Những tiếng cười trong trẻo đến nhói lòng.
Lâu thật lâu, thầy mới rời khỏi ghế, lững thững bước xuống sân.
Đã bốn tháng rồi…
Kể từ cái đêm hòa thượng Liễu Triệt bắt gặp một người con gái nằm khóc rấm rứt bên cổng chùa, trên người không một mảnh vải che thân.
Cô gái không phải người làng. Ngay ngày hôm sau thầy đã nhờ phật tử và tăng chúng đi dò hỏi khắp các làng lân cận nhưng không làng nào có người mất tích. Có lẽ cô cũng không phải là người ở phủ này. Hỏi chuyện cô gái thì cô chỉ ú ớ lắc đầu và khóc. Thầy cho dựng một gian nhà tranh nằm biệt lập phía sau chùa để cô ở tạm. Mọi người trong chùa gọi cô là chị Câm.
Chuyện tưởng chỉ có vậy, nhưng miệng lưỡi thế gian độc địa mấy ai lường?
Hòa thượng Thật Kiến - Liễu Triệt xuất gia từ thưở niên thiếu. Sau một thời gian ngắn tu tập đã làu thông kinh điển, giới luật tinh nghiêm, tăng chúng trong chùa và phật tử gần xa đều kính ngưỡng. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát nghe danh, cho triệu thầy ra Phú Xuân nhậm chức trụ trì chùa Thiên Mụ. Trong thời gian đó, thầy Liễu Triệt thường hay ra vào nội cung thuyết pháp và đã có quan hệ tình cảm với một cung phi bị thất sủng. Năm hòa thượng Kỳ Phương viên tịch, thầy Liễu Triệt trở về chùa Thập Tháp tiếp quản chức trụ trì. Người phi đó ngày đêm nhung nhớ mà mắc bệnh. Rồi cuối cùng liều trốn khỏi chốn lầu son, theo tiếng gọi của tình yêu mà tìm về nơi quê mùa hẻo lánh này. Sau đó hai người dựng lên vở kịch nọ để che mắt thiên hạ và được hôm sớm gần nhau…
Đó là câu chuyện truyền khẩu của những người đa sự trong làng, nhằm lý giải lai lịch của chị Câm và hạ thấp thanh danh vị hòa thượng đang trụ trì Tổ đình Thập Tháp. Chuyện chưa rõ thực hư song đã tác động lên niềm tin của không ít người. Dân trong vùng, trước kia dù không thường xuyên đi lễ Phật nhưng đối với các sư tăng vẫn một mực tôn kính thì bây giờ đều tỏ ra lạnh nhạt và có phần ác cảm. Một số phật tử không còn đến chùa tụng kinh, đảnh lễ nữa. Suốt bốn tháng trời, lời ra tiếng vào trong làng chưa có dấu hiệu giảm bớt, thì gần đây bụng chị Câm cứ to dần. Chị đã có mang.
Hòa thượng Liễu Triệt là người xuất gia, an nhiên trước sự đời. Những lời đàm tiếu vô căn cứ của thiên hạ làm sao có thể khiến thầy bận lòng. Thế nhưng…
Tâm trẻ vốn thiện. Sao các bậc cha chú lại nỡ lòng bày chúng những lời lẽ đó. Chẳng phải là vô tình tạo nghiệt cho con trẻ hay sao?
Đêm thả dần xuống vai thầy, chậm chậm, trầm trầm. Những đám mây mưa hồng lên giữa màn trời. Thầy hít một hơi thật dài, tay chắp trước ngực, hai mắt từ từ nhắm lại. Tiếng thở ra thốt nhiên chỉ như cơn gió thoảng:
- A Di Đà Phật!
***
Gà gáy điểm canh bốn.
Sao trên trời đã thưa dần.
Hơi sương vẫn nhởn nhơ la đà trên mặt cỏ.
Một bóng xám băng vội vàng qua sân bông, dừng trước cửa phòng thầy trụ trì, khẽ giọng:
- Thưa thầy…
- Chánh Tâm à? Vô đi con!
Hòa thượng Chánh Tâm giữ chức quản chúng ở chùa, là đệ tử lớn nhất của sư thầy Liễu Triệt. Đẩy cửa bước vào, thấy sư phụ đang chuẩn bị cho buổi tụng kinh sáng, không đợi hỏi, thầy Chánh Tâm vội thưa luôn:
- Thưa thầy, con cọp lại đến nữa!
Thầy Liễu Triệt ngẩng lên, vẻ mặt từ ái:
- Hôm nay là hôm thứ ba rồi phải không?
- Dạ! Nó đang nằm đằng sau nhà Tổ.
Thầy Liễu Triệt trầm ngâm. Cách đây hai ngày, khi đi thắp nhang ở nhà Tổ, chính hòa thượng Chánh Tâm phát hiện ra con cọp trắng lai vãng trong khuôn viên chùa. Ngay sau đó, thầy Liễu Triệt đã tức tốc cho quét dọn gian phòng khách cạnh nhà bếp để chuyển chị Câm vào ở, tránh chuyện bất trắc.
Thế gian lại được thêm một phen thỏa thuê đàm tiếu.
Hôm qua, Bạch Hổ cũng đến vào tầm này. Nó tuyệt nhiên không dấn sâu vào trong sân, chỉ nằm dài phía sau nhà Tổ.
Thầy Liễu Triệt gật gù, lẩm bẩm:
- Ba hôm rồi!... Ba hôm… Ba hôm… Thầy cũng đã nghĩ thử. Dứt khoát không phải do động rừng mà Bạch Hổ đó xuống đây đâu. – Ngập ngừng một chút, sư thầy nói tiếp – Nó chỉ tới nhằm đúng giờ tụng kinh sáng, xong là đi. Thầy đoán nó đã ngộ đạo rồi, nhưng con cứ dặn mọi người đừng ra phía sau. Cẩn thận một chút vẫn hơn…
Thầy Chánh Tâm cúi mình dạ một tiếng rồi lui ra. Đi ngang Chánh điện, thấy tiểu Chút đã sắp kinh xong, thầy ngoắc nó ra ngoài, ân cần:
- Mấy vết bầm trên ngực, đã nhờ sư huynh xức dầu chưa?
- Dạ rồi…
- Mông còn đau không?
Tiểu Chút bất giác đưa tay sờ mông, lí nhí:
- Dạ…
Thầy Chánh Tâm dịu dàng:
- Hôm qua thầy phạt roi con, con có giận thầy không?
Tiểu Chút lắc đầu nguầy nguậy. Thầy Chánh Tâm xoa đầu nó:
 - Lũ chăn trâu đọc vè giễu sư phụ là sai. Nhưng mình là người đi tu, lòng phải hiền hòa. Chuyện gì cũng vậy, biết nẫu(1) sai thì mình phải lấy điều thiện mà khuyên giải. Khuyên một lần không được thì khuyên mười lần. Khuyên đến khi nào nẫu hiểu thì thôi. Dù có bị đánh chửi hay chế nhạo thì cũng phải nhẫn nhịn. Bữa rằm sư phụ giảng về bốn chữ “từ bi hỷ xả”, con chắc chưa quên?
Đôi mắt trong veo của tiểu Chút ngân ngấn nước. Nó cúi mặt, nói nhỏ nhỏ:
- Thưa thầy, con biết lỗi rồi ạ.
Thầy Chánh Tâm ngồi khom xuống, lấy tay áo chặm nước mắt cho tiểu Chút, rồi dắt nó về dãy phòng Chúng phía Bắc.
***
Lại thêm bốn tháng nữa qua đi.
Đêm mười sáu vằng vặc một màu trăng.
Nửa đêm, thầy Liễu Triệt giật mình tỉnh giấc, lòng thầy chợt bồn chồn.
Trằn trọc một lúc, thầy bước xuống giường, mở cửa ra ngoài.
Cả khoảnh sân như bừng lên dưới ánh trăng mười sáu. Những tia sáng trong lành lan tỏa khắp nơi, hắt vào tận bên trong Chánh điện.
Ánh mắt thầy Liễu Triệt chợt khựng lại.
Cửa Chánh điện mở toang.
Sư thầy vội băng qua sân, đến trước Chánh điện. Phía bên trong, một bóng đen nghe động quay ngoắt lại. Trên tay hắn giữ một thân hình mềm oặt. Hình như là tiểu Chút. Nó đã ngất đi tự khi nào.
Bóng đen bịt kín mặt, chỉ chừa lại đôi mắt đang long lên sòng sọc trong tranh tối tranh sáng. Hắn kề dao vào cổ tiểu Chút, ra lệnh cho thầy:
- Im lặng, bước vào đây!
Thầy Liễu Triệt bước qua ngạch cửa, khẽ giọng:
- Chú muốn tìm gì? Trong chùa không có tiền bạc đâu!
Bóng đen cười khẩy:
- Chùa này tiền bạc đem nuôi gái hết, tao không thèm. Nhưng có một vật quý đáng giá ngàn vàng, biết điều thì nộp ra đây?
Thầy Liễu Triệt chắp tay:
- Mô phật! Cửa chùa thanh tịnh. Chú đừng nói năng càn rỡ như vậy. Chùa này cũng không có vật quý, chú tìm nhầm chỗ rồi.
Tên trộm nghiến răng:
- Thằng trọc, tao không lôi thôi với mày. Chùa này có cái vỏ lúa thần. Mau đưa ra đây!
Thầy Liễu Triệt nhíu mày. Hạt lúa đó do tôn sư Kỳ Phương lúc sinh thời hữu duyên nhặt được trong hốc đá trên đồi Long Bích, to bằng nắm tay. Ai cũng cho rằng đó là hạt lúa trong câu chuyện cổ được dân gian lưu truyền từ xa xưa.
Ngày xưa, cây lúa không như bây giờ. Khi trổ bông, hạt nào hạt nấy to bằng cái bát. Lúc chín thì tự lăn về nhà. Người ta không cần ra đồng gặt hái, chỉ việc ở nhà quét tước sạch sẽ để đón lúa về. Năm nọ, có một cô gái làm biếng không chịu dọn nhà. Lúa về dồn đống ở ngoài cổng,nhao nhao hối cô dọn dẹp. Cô bực tức lấy cán chổi ra đánh lúa tan tành. Từ đó lúa giận, không tự về nữa. Hạt lúa bị cô gái đánh bể nát, nên mãi về sau, hạt nào hạt nấy nhỏ xíu…
Hạt lúa hiếm được thầy trụ trì cất kỹ, những ngày lễ lớn đều đem ra cho sư tăng và phật tử gần xa chiêm ngưỡng, như một lời răn dạy không được biếng nhác để rồi làm khổ mình, khổ người. Lâu ngày, chất gạo bên trong mục rỗng, chỉ còn lại cái vỏ. Mấy chục năm qua, hạt lúa tồn tại như một bảo vật tâm linh của chùa Thập Tháp. Vài ngày trước, có một toán thương gia người Tây đến vãn cảnh chùa rồi xin được chiêm ngưỡng báu vật. Hóa ra họ đã có ý đồ.
Thầy Liễu Triệt khẽ khàng:
- Được rồi, chú theo tôi!
Nói rồi, thầy quay người bước ra ngoài. Tên trộm xốc tiểu Chút đi theo phía sau. Về tới cửa phòng mình, sư thầy dừng lại, nhìn hắn. Tên trộm hất hàm ra hiệu, thầy bước nhanh vào. Một chốc sau, thầy đem một cái đĩa ngọc, vỏ lúa được đặt trang trọng bên trên. Ánh sáng xanh nơi đĩa ngọc dìu dịu tỏa ra, ôm trọn màu vàng của vỏ lúa, như đang hết lòng bảo vệ.
Mắt tên trộm sáng lên. Hắn muốn đẩy tiểu Chút ra để vồ ngay lấy cái đĩa. Nhưng lỡ lão trọc hô hoán thì hư sự hết. Hắn thầm nhủ, rồi một tay vẫn lăm lăm con dao, một tay kẹp cổ tiểu Chút đi lùi ra giữa sân, rít giọng:
- Lại gần đây!
Thầy Liễu Triệt bước theo hắn, hai tay nâng bảo vật đưa về phía trước, run run. Để cứu tiểu Chút thì thầy có tiếc gì. Nhưng món đồ này là di vật của tôn sư. Giờ thầy không cách nào gìn giữ được mà lại phải chính tay đem dâng lên cho đạo tặc nên trong lòng không khỏi khổ não.  Tên trộm giắt dao vào lưng quần, đưa tay cầm lấy. Tay hắn vừa chạm vào, đĩa ngọc bỗng rực sáng lên, như muốn át cả ánh trăng đang lan tỏa trên cao. Cái vỏ lúa rã dần ra, tan thành một làn khói xanh, bay thẳng lên trời.
Tên trộm không tin vào mắt mình nữa. Hắn giật phắt cái đĩa, lùi lại mấy bước, gằn giọng với thầy Liễu Triệt lúc đó cũng đang sững sờ vì sự lạ:
- Thằng trọc dám giở trò phù phép. Tao cho thằng nhỏ này đi theo cái vỏ trấu luôn.
Hắn vung cái đĩa ngọc lên cao, nhằm đỉnh đầu tiểu Chút, thật lực giáng xuống. Thầy Liễu Triệt hốt hoảng lao tới. Đúng lúc đó, một bóng trắng thình lình hiện ra ngay sau lưng tên bất nhân, gầm lên một tiếng cuồng nộ:
- Gràoooo…...
Tiếng gầm của linh thú giáng lâm như sấm động. Trời tịnh không chút gió, mà cây cối khắp vùng đồi xào xạc khua vang. Thinh không như rách toạc.
Tên trộm giật bắn mình, cái đĩa trên tay rơi xuống đất. Tiểu Chút cũng ú ớ choàng tỉnh. Thầy Liễu Triệt giằng nó ra khỏi tay tên trộm đang hồn xiêu phách lạc, lùi lại một quãng, thở hắt ra:
- Bạch Hổ!
Con hổ trắng đồ sộ như con trâu mộng mà linh hoạt vô cùng. Nó nhún mình một cái, uyển chuyển đáp xuống chắn giữa sư thầy và tên trộm. Thấy Bạch Hổ, tên trộm run lẩy bẩy, ánh mắt kinh hoảng tột độ, quỵ ngay xuống đất. Lúc này, các sư tăng nghe thấy tiếng cọp gầm đã nhanh chóng túa ra từ hai dãy phòng Chúng, đứng vây kín xung quanh. Tên trộm nằm mọp trên nền sân, cố hết sức mới thì thào được mấy tiếng:
- Sư… sư phụ… tha… tha… tha…
Thầy đưa tiểu Chút cho đệ tử Tế Trí đang đứng phía sau bế, rồi bước tới mấy bước, đứng bên Bạch Hổ. Thứ nhất là thấy tên trộm không còn chút sinh khí, người từ bi bác ái như thầy Liễu Triệt không khỏi động lòng. Thứ hai, thầy tin con mãnh thú đang hung hãn gầm gừ cạnh mình  đã hoàn toàn giác ngộ. Thế nên, ngập ngừng một chút rồi thầy cũng đánh liều đặt tay lên lưng Bạch Hổ. Tay thầy vừa chạm vào lớp lông trắng mịn như tuyết, nộ khí xung thiên trong mắt Bạch Hổ lập tức tan đi. Nó ngoan ngoãn nằm xuống dưới chân thầy như một con mèo con. Thầy vỗ về Bạch Hổ, rồi nói với tên trộm:
- Chú đi đi!
Tên trộm ngẩng lên, không tin vào tai mình nữa. Giọng thầy Liễu Triệt trầm trầm:
- Chú về đi! Về tới nhà thì nên bỏ nghề. Chú không nghĩ cho mình thì cũng phải nghĩ cho con cháu…
Tên trộm run rẩy quỳ thẳng lên, sụp lạy thầy rồi loạng choạng đứng dậy. Vòng người đứng phía sau rẽ ra cho hắn đi qua. Hắn hấp tấp bước đi, được mấy bước lại ngoái nhìn, rồi chạy thục mạng, nhảy luôn qua hàng rào. Thầy Liễu Triệt chắp tay:
- Nam mô A Di Đà Phật!
Các thầy cũng đồng loạt chắp tay lại. Tiếng niệm Phật vang lên trầm ấm giữa đêm khuya:
- Nam mô A Di Đà Phật!
Con cọp thích chí lắm. Nó lăn qua lăn lại trên mặt đất mấy vòng rồi cũng cúi gằm đầu xuống trước mặt thầy Liễu Triệt, hai chân trước chắp lại như đang lạy. Ai nấy đều sững sờ. Thầy Liễu Triệt xoa tay lên đầu nó. Bạch Hổ ngước nhìn, tỏ vẻ biết ơn, rồi xoay người phóng vút lên đồi Long Bích.
***
Câu chuyện đêm đó lan ra khắp vùng. Người ta bắt đầu xôn xao:
- Chắc mình nghi oan cho sư thầy. Chứ cảm hóa được cả cọp thì đạo hạnh của thầy phải cao thâm lắm.
- Ừ! Tui cũng nghĩ kỹ rồi, làm gì có chuyện vô lý như vậy được. Bà phi mất tích mà chúa thượng chịu để yên không đi kiếm à?
Nhưng cũng có nhiều người cố chấp, cười khẩy:
- Đạo hạnh cao thâm cái gì? Hay là bọn trọc đầu bịa chuyện nói láo.
- Đúng đúng! Đời thưở có ai xoa đầu cọp mà nó để yên không táp cho vong mạng chứ? Rặt một lũ nói láo. Hừ!
***
Thời gian vô tình như nước, cứ mải mốt trôi. Đâu cần biết đến cõi hồng trần bụi bặm cứ cuộn lên vì những thị phi, tục lụy.
Thấm thoắt đã ba năm…
Năm ngày trước, chùa Thập Tháp đón đoàn khách đặc biệt từ Thuận Hóa vào. Đó là sứ giả đến truyền chỉ của chúa Nguyễn, thỉnh hòa thượng Thật Kiến – Liễu Triệt ra Phú Xuân. Thầy Liễu Triệt dành năm ngày để cắt đặt, sắp xếp việc ở chùa cẩn thận. Mọi công tác phật sự thầy giao cho đệ tử xuất sắc nhất của mình là hòa thượng Tế Đoan xử lý, trông coi. Rồi mới chuẩn bị hành lý để lên đường.
Tối hôm đó, thầy Liễu Triệt trăn trở mãi không chợp mắt được. Thầy chẳng những nghĩ đến Phú Xuân mà còn nghĩ đến Thăng Long. Dân chúng Nam Bắc cách nhau một dải sông Gianh, bao giờ mới hết cảnh chinh chiến chia lìa? Thầy phát tâm đợt thuyết pháp tới đây sẽ nói với tăng chúng và Phật Tử về một nguồn cội Lạc Hồng không bao giờ đứt mạch. Tư tưởng hưng quốc an dân từ thưở Lý Trần hẳn là vẫn âm thầm trong tâm thức giống nòi. Thầy nhắm mắt lại. Trong cõi không, chùa Một Cột hiện ra mỗi lúc một gần, rồi nở xòe như một đóa sen lớn. Hòa thượng Liễu Triệt sửa mình đảnh lễ. Bất chợt một ông già mắt sáng như sao, râu tóc trắng toát, vận bộ đồ trắng từ sau đóa sen bước ra quỳ trước mặt thầy:
- Thưa thầy, tuổi thọ của con đã mãn. Xin thầy nán lại thêm mấy bữa nữa để tụng kinh cầu siêu cho con.
Nói xong, ông lão biến mất. Sư thầy Liễu Triệt cũng bừng tỉnh.
Gà vừa gáy sang canh, sứ giả đã hai, ba lần sang giục. Nhưng nhớ đến lời nói của ông già trong mộng, thầy Liễu Triệt cứ trù trừ chưa quyết. Tờ mờ sáng, thầy Chánh Tâm hớt hải chạy đến:
- Thưa thầy, Bạch Hổ về trời rồi ạ! Xác nó ở đằng sau nhà Tổ.
Thầy Liễu Triệt vội vàng cùng đệ tử Chánh Tâm ra sau Tổ đường. Quả nhiên, xác Bạch Hổ đã lạnh cứng tự khi nào. So với ba năm trước, nó gầy đi trông thấy. Cũng dễ hiểu. Tu lâu thấm tương chao. Bạch Hổ đã giác ngộ thì cũng chỉ ăn cỏ, ăn lá sống qua ngày. Các chú điệu đi lấy củi trên đồi Long Bích về thường thưa lại, đống phân hổ nào cũng sực mùi cỏ. Có nhiều loại cỏ không tiêu hóa được, còn lởm chởm trong đống chất thải.
Hai thầy trò đứng thần người ra, lòng rưng rưng một niềm tiếc thương vô hạn. Ba năm nay, sự tồn tại của con cọp trắng đã trở thành một phần không thể thiếu của chùa Thập Tháp Di Đà. Nhiều người không dám đến gần nhưng trong bụng đều có mấy phần quyến luyến nó, huống chi thầy Liễu Triệt và Chánh Tâm thân thiết với Bạch Hổ như bằng hữu tâm giao.
Đứng một lúc, thầy Liễu Triệt gạt nước mắt, đi gặp sứ giả:
- Phiền ngài về trước báo với chúa thượng: Một người bạn có ơn với tôi vừa qua đời, xin khất thêm một tháng nữa để làm ma chay. Hết thời hạn tôi sẽ lập tức ra Xuân kinh, không dám chậm trễ.
Sứ giả nhìn vào mắt thầy, biết ý, nên không dám nài:
- Chuyện xảy ra bất ngờ, nếu thầy đã quyết thì đành theo ý thầy. Bản chức xin đi trước. Mong thầy cố gắng thu xếp! Đừng để chúa thượng phải đợi lâu mà sinh phiền não.
Thầy Liễu Triệt nghiêm mặt, chắp tay:
- A Di Dà Phật!
Sứ giả cúi đầu, rồi bảo tùy tùng thắng ngựa.
Hòa thượng Liễu Triệt chọn ngày chôn cất Bạch Hổ tử tế trên đồi Long Bích, tụng kinh cầu siêu, làm đám tang trọng thể y như con người. Thầy còn cho xây một cái tháp nhỏ phía trên mộ, gọi là miếu Bạch Hổ, ngày đêm hương khói. Mọi việc xong xuôi, thầy mới yên tâm khởi hành.
Ra Phú Xuân, hòa thượng Thật Kiến – Liễu Triệt được chúa Nguyễn cho phục chức trụ trì chùa Thiên Mụ, tiếp tục giảng kinh thuyết pháp, hướng dẫn mọi người tu tập.
Ngày mười bốn tháng mười một năm Giáp Thân (1764), biết mình mệnh mình sắp hết, thầy họp tăng chúng lại, dặn dò mọi thứ rồi trăn trối một lời cuối cùng:
- Ta có hai điều sở nguyện muốn ký thác. Thứ nhất, cầu cho non sông liền mạch, Phật sự huy hoàng. Thứ hai, ta từ khi xuất gia đến nay, một đời tu hành nghiêm mật nhưng mắc tiếng oan, Phật Tổ từ bi chứng giám, nếu ta trong sạch thì sau khi chết đi, tháp của ta đời đời rêu không mọc được.
Thầy nói xong thì tịch. Thọ sáu mươi hai tuổi. Lúc đó nhằm giờ Mão.
Linh cữu của thầy được quàn tại chùa Thiên Mụ ba tháng. Đến tháng hai năm Ất Dậu (1965), tăng chúng đệ tử nghinh rước Linh Cữu của thầy về chùa Thập Tháp để an nhập bảo tháp.
VĨ THANH
Lần tôi được đến chùa Thập Tháp Di Đà với ba là vào năm chín tuổi. Lúc đó còn nhỏ, chưa hiểu chuyện đời, nhưng tôi cứ nhớ như in ba đã lặng người đi như thế nào khi đứng trong vườn Tháp Tổ. Giữa hai mươi mấy ngôi tháp vừa cũ vừa mới, cổ kính rêu phong, có một ngôi tháp suốt gần ba trăm năm vẫn giữ nguyên màu trắng. Ngôi tháp như thách thức mọi sóng gió bể dâu của thế gian, vẫn cứ mang một màu tinh bạch. Hệt như cuộc đời của vị hòa thượng tôn quý đang an nhiên nơi Niết Bàn kia vậy.
(Tìm đọc truyện ngắn này trên Tạp chí Văn nghệ quân đội số đầu tháng 01/2011 nhé các bạn! :D)

 
CON ĐƯỜNG MƯA!
- Lê Thị Lệ Hằng -

Đã có một thời con đường ấy được gọi là con đường mưa .. Lúc nghe thấy cái tên đầy ấn tượng này tôi đã bắt đầu thích nó mặc dù tôi chưa một lần đặt chân đến.
"Đó là một con đường mà không có hàng cây, không có mái nhà ở ven đường. Khi mưa ập đến (mưa Sài Gòn à nghen), ai đi trên đường ấy đều bị ướt nhẹp, đại khái là vì lí do này nên nó được gọi là con đường mưa, thế thôi."
Nghe ông anh kể mà tôi tức anh ách. Đâu lẽ nào với cái " sự tích" chẳng đâu vào đâu ấy mà người ta lại đặt cho nó cái tên mĩ miều như thế được. Tôi quyết thi vào Sài Gòn để tự mình khám phá ra "bí ẩn" của con đường mưa (nghe cũng hấp dẫn ra phếch ấy nhỉ).
Và tôi vào Sài Gòn thật. Ngày đầu đặt chân bước đến Làng Đại Học Thủ Đức tôi đã đi ngay xuống ký túc xá Đại Học Quốc Gia (theo lời chỉ dẫn của anh Hai). Thì ra đó là một con đường thẳng, rất thẳng cũng giống như bao con đường bình thường khác không hơn không kém .Con đường mà một bóng cây cũng không có nói chi đến cảnh lá me bay trong một chiều gió lộng. Tôi thất vọng tràn trề, bao nhiêu giấc mơ ôm ấp chờ đợi bấy lâu nay bỗng chốc vỡ òa...
Tôi lê bước trên những miền mộng mơ...Có vài cô bạn đang tíu tít chuyện trò, mấy anh rê bóng đi sau...
Ầm ầm ào...!!!
Mưa rồi! Là mưa Sài Gòn giận hờn bất chợt như con gái! Tôi ngạc nhiên nhìn mọi người tung ô. "Đi ké với! Ké với." Tất cả hòa vào nhau. Những chiếc ô đủ màu sắc được lôi ra từ ngăn cặp nhỏ. Con đường lúc này đẹp hơn bao giờ hết. Tôi lạc lõng giữa con đường ướt mưa nhưng nụ cười vẫn nở tươi trên môi: May mắn thay vừa kịp lúc, nếu không tôi đã đánh mất giá trị đích thực của cuộc đời.
Những năm tháng học ở đây tôi thường ghé thăm con đường mưa. Cũng chẳng để làm gì ngoài việc chờ đợi cơn mưa không hẹn trước để được tung hô, nghe tiếng lộp độp như lời tâm sự của một người bạn cũ. Tôi thích nhìn những mái đầu không chỗ trú chạy như điên cho hết con đường mưa vừa lúc ấy thì mưa tạnh nhưng cũng đủ để "nạn nhân" ướt như chuột lột.
Rồi những buổi tối cuối tuần, tôi cùng đứa bạn thân dạo bộ trên con đường mưa. Lạ thật, dù không hề có một bóng cây, mái che, con đường vẫn đó những đôi tình nhân ngồi ngắm trăng , đếm sao...Tôi vô tình bắt gặp những hờn giận vu vơ, những cái nắm tay âu yếm. Tôi ước được chàng trai bế thốc lên chiếc yên xe, và rồi ước mình là cô gái đang nũng nịu : "Anh này kỳ quá đi , người ta nhìn kìa". Tôi mỉm cười nhận ra :trên thế gian này chan hòa hạnh phúc, nhìn người ta hạnh phúc đó cũng là một hạnh phúc.
Bây giờ con đường ấy không còn các bạn tôi thân mật gọi là con đường mưa nữa mà nó đã có một cái tên khác : Con đường 14 tháng 2 – con đường của những đôi tình nhân . Nhưng dù mang cái tên nào đi nữa con đường mưa vẫn là một kỉ niệm của thời sinh viên. Tôi sẽ cất giữ mãi hình ảnh một con đường bình dị khô khốc nhưng thấm đượm tình yêu thương.
Và tôi hiểu ra rằng bất cứ con đường nào, bất cứ khoảng không gian nào trên trái đất nếu chúng ta biết cùng nhau xây dựng niềm tin thì nơi đó sẽ là thiên đường hạnh phúc.

XUÂN QUÊ
                                          - Đinh Khánh Trinh -
Gió vẫn vương ngọt ngào hương bưởi
Lại một lần xuân gõ cửa gọi tên
Xuân này vẫn bánh vẫn nem
Thiếu bờ vai mẹ ngọt mềm đợi con
Xuân này vẫn chiếc trống cơm
Con vô tư gõ vo tròn ước mơ
Xuân này trong mắt em thơ
Vẫn là bánh mứt quà quê ngọt ngào
Xuân này giữa xứ ngọc ngà
Con nâng chén lệ cho già nỗi đau
Biết rằng phương ấy canh thâu
Có ai hiểu được nỗi sầu chơi vơi
Tết xa quê có vuông tròn
Nỗi đau gói trọn cho mòn xa xôi
Vẫn là bánh mứt đầy vơi
Nhưng mà thiếu một khoảng trời tết quê.


CHẮC ANH KHÔNG TỚI… MÙA XUÂN…
                                               - Phạm Thị Nhật Oanh -
Có phải do lạc lối phong trần?
Anh không tới, mùa xuân hồng đến trước
Đếm thời gian từng ngày chảy ngược
Đã thấy giao thừa rạo rực say sưa.
Chắc tại do để lỡ chuyến đò trưa
Mùa xuân đến nhanh hơn anh rồi đó
Anh vô tình không hay xuân qua ngõ
Hay anh chờ tình đẹp bén duyên say?
Chắc anh không tới xuân nay
Hái lộc xuân thấy ngày dài thắm thoắt
Xuân lại đến, lại đi rồi lại hát
Chờ đợi chi cho tình mộng chưa thành
Có lẽ duyên tình còn khe khẽ mong manh
Nên anh còn chầm chậm chân bước
Anh ơi anh sao không đến trước?
Xuân tới rồi chờ đợi nữa mà chi…

 Truyện ngắn về chú mèo của Nguyễn Thị Vân Lam (sẽ giới thiệu đến các bạn sau héng)
KHÔNG ANH
                                                                        - Nguyễn Thị Minh Trâm -
Em nằm giữa mùa đông
Giữa những lạnh lẽo không bão giông
Của dòng sông ngoảnh mặt,
Chối từ người cô khách.

Em nằm lên mùa đông,
Gối đầu vào hư không
Nghe kí ức ngược dòng
Kể chuyện người viễn khách.

Em quỳ trước dòng sông
Thấy gương mặt mình gợn sóng, gợn sóng
Mênh mông, mênh mông.
Em bật cười với những ảo ảnh
Như cợt lên nỗi không anh.

*

Về thôi anh,
Vẫn chưa trôi hết những ngày xanh
Mà biển vắng anh, dòng sông vắng anh, con đường vắng anh
Chợt cô quạnh.
Cuộc tiếu ngạo cũng hóa buổi lang thang.

Về thôi,
Ngỡ đã chào hết những xa xôi.
Mà con đò vẫn đắm giữa dòng, chìm – nổi.
Chẳng nên đôi.
Sau đó là phần hát hò tự do, tặng bưu thiếp, chia sẻ về một số cuộc thi thơ văn quy mô lớn đang diễn ra, chụp ảnh lưu niệm, quan trọng nhất vẫn là phần bình luận, chia sẻ, đồng cảm... của các thành viên dành cho các tác phẩm. Nhưng thôi, phần này không kể, để cho những ai không tham dự chương trình... tiếc nuối chơi! He he.
Sau khi "xử lý" hình ảnh của chương trình cũng sẽ được giới thiệu trên blog. Đón xem anh em ha! ;)